1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hai lần thanh tra, chưa phát hiện tiêu cực tại bến xe Mỹ Đình

(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội cho biết, cả Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đều thành lập đoàn thanh tra cấp phép mở tuyến tại bến xe Mỹ Đình, đều chưa phát hiện tiêu cực. Đơn vị này giải thích ý kiến mua bán “lốt” xe là chuyển nhượng trong nội bộ doanh nghiệp vận tải.

Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) vừa có báo cáo chi tiết công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung báo cáo còn tập trung vào việc làm rõ việc cấp các “lốt” xe ra vào bến xe Mỹ Đình.

Nhiều năm không tăng tần suất tại bến Mỹ Đình

Theo báo cáo, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có tổng số 540 tuyến đăng ký hoạt động, trong đó có 4971 “lốt” xe. Tại bến xe Mỹ Đình có 150 tuyến, 220 đơn vị vận tải đăng ký 1642 “lốt” xe. Tại bến xe Giáp Bát có 95 tuyến, 150 đơn vị vận tải đăng ký 1201 “lốt” xe. Tại bến xe Gia Lâm có 81 tuyến, 90 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động với 799 “lốt” xe.

Hà Nội không tăng tần suất tại bến xe Mỹ Đình từ nhiều năm nay
Hà Nội không tăng tần suất tại bến xe Mỹ Đình từ nhiều năm nay

Báo cáo của Phòng Quản lý vận tải cũng tập trung phân tích rõ những vấn đề liên quan đến bến xe Mỹ Đình. Theo đó, bến xe này hoạt động từ năm 2004, trên cơ sở toàn bộ phương tiện và luồng tuyến từ bến xe Kim Mã chuyển ra (khoảng trên 300 lượt xe/ngày). Tính đến tháng 6/2013 số lượt xe đăng ký tại bến xe Mỹ Đình đã đạt 1.642 lượt xe/ngày, với lượt xe xuất bến bình quân đạt 1.300 lượt xe/ngày.

Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, do có một số phản ánh hiện tượng tiêu cực trong việc cấp phép cho các đơn vị vận tải tại bến xe Mỹ Đình, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã thành lập 2 đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh và hoạt động của các bến xe ô tô khách trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 và thanh tra việc cấp phép mở tuyến tại bến xe Mỹ Đình (thời điểm từ năm 2008 đến tháng 6/2013).

Theo báo cáo của Phòng Quản lý vận tải, kết luận của 2 đoàn Thanh tra đều khẳng định việc thực hiện quy trình cấp chấp thuận, thỏa thuận về cơ bản đảm bảo theo quy định. Chưa phát hiện có tiêu cực trong việc cấp phép cho các đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe Mỹ Đình.

Tuy nhiên, đoàn thanh tra còn tồn tại một số nội dung như: do xác định công suất bến xe qua các thời kỳ không nhất quán, không đính chính, giải thích cụ thể, việc xác định công suất bến xe không có hồ sơ, luận chứng cụ thể nên dễ gây hiểu lầm trong xã hội. Công tác phối hợp của Sở GTVT Hà Nội với các cơ quan chức năng liên quan chưa tốt nên vẫn còn hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” và các phương tiện vi phạm đón trả khách sai quy định gây mất trật tự khu vực bến xe Mỹ Đình.

Báo cáo của Phòng Quản lý chỉ rõ từ nhiều năm nay, Sở GTVT Hà Nội không thực hiện bổ sung tăng tần suất hoạt động của các tuyến vận tải khách liên tỉnh đi và đến bến xe Mỹ Đình, đảm bảo duy trì ổn định tần suất theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT.

Do vậy, trong giai đoạn từ tháng 7/2013 đến nay, giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động tại bến xe Mỹ Đình với lượt xe đăng ký là 1642 lượt xe/ngày. Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận, thỏa thuận tăng tần suất tại bến xe Mỹ Đình đối với bất kỳ đơn vị kinh doanh vận tải nào.

Mua bán “lốt” trong nội bộ doanh nghiệp

“Hiện nay có một số ý kiến việc mua bán “lốt” tại một số đơn vị vận tải (chủ yếu là Công ty cổ phần, Hợp tác xã) đóng góp cổ phần, chuyển nhượng, thay thế phương tiện giữa các cổ đông, các xã viên... dễ gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải”, Phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội giải thích.

Phòng Quản lý vận tải cho biết, việc mua bán “lốt” chỉ diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp
Phòng Quản lý vận tải cho biết, việc mua bán “lốt” chỉ diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp

Ngoài ra, theo giải thích của Phòng Quản lý vận tải, trong nội bộ đơn vị chuyển nhượng, thay thế xe giữa các cổ đông, xã viên với nhau là việc nội bộ của đơn vị. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và chỉ quản lý theo phương án kinh doanh mà đơn vị vận tải đó đăng ký.

Bên cạnh đó cũng có một số đơn vị vận tải nhỏ lẻ không đảm bảo số lượng phương tiện theo quy định tại Nghị định 86 có xu hướng hợp nhất với nhau cũng sinh ra việc chuyển nhượng mua bán nội bộ (không tăng “lốt” xe).

“Về việc phản ánh nhà xe Phú Quý, Nguyên Oanh của Nghệ An tăng xe vào bến xe Mỹ Đình sau năm 2013, qua kiểm tra chúng tôi khẳng định có 04 xe của 2 nhà xe này vào hoạt động tại bến xe Mỹ Đình thông qua hình thức thay xe của các đơn vị vận tải”, Phòng Quản lý vận tải nêu ví dụ cụ thể.

Quang Phong