1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hai gia đình liệt sỹ “tranh nhau” một ngôi mộ vì tin lời nhà ngoại cảm

(Dân trí) - Nhiều gia đình vì tin lời nhà ngoại cảm một cách mù quáng mà “nhất quyết” không nhờ đến sự hỗ trợ của các trung tâm khoa học để xác thực hài cốt. Có khi mấy gia đình liệt sỹ cùng tranh chấp một ngôi mộ.


Không phải cho đến bây giờ, những kẻ lừa đảo tự xưng “nhà ngoại cảm” mới bị phanh phui vì hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ để trục lợi. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ sự lộng hành, ngang nhiên lừa đảo của những nhà ngoại cảm lại nở rộ nhiều như hiện nay. Hàng trăm các trung tâm, cá nhân tự nhận có khả năng tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm mọc lên nhan nhản khắp nơi. Rất nhiều trường hợp “tiền mất, tật mang” vì ngoại cảm, thậm chí có thân nhân liệt sỹ vì nghe lời nhà ngoại cảm mà bốc nhầm mộ người khác.

“Nhiều gia đình liệt sỹ tin lời nhà ngoại cảm hơn các trung tâm khoa học”

Ông Phạm Văn Phủng - Phó ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết sở dĩ nhiều gia đình liệt sỹ trở thành “miếng mồi” béo bở cho những kẻ lừa đảo tự xưng nhà ngoại cảm “đục nước, béo cò” chính bởi sự thiếu hiểu biết, mù mờ về thông tin liệt sỹ. Liệt sỹ đã từng chiến đấu ở đâu, hi sinh mặt trận nào, thời điểm nào người nhà đều không hay biết. Chính vì không biết hoặc không chịu bỏ công tìm kiếm qua các kênh thông tin nên họ phó mặc cho các nhà ngoại cảm. Để rồi không ít trường hợp nhà ngoại cảm “phán” nơi chôn cất hài cốt liệt sỹ ở đâu là họ lại vội vã đến đó bốc cất mà không hề tỉnh táo để nhận ra có những phi lý rõ ràng về lịch sử.

Gần đây nhất là trường hợp của chị N.T.B.H (Đan Phượng – Hà Nội) đi tìm hài cốt người chú là liệt sỹ hi sinh tại mặt trận Long An ngày 10/10/1968. Hàng chục năm tìm kiếm, chị H. đã nhờ đến rất nhiều nhà ngoại cảm nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Năm 2012, qua sự giới thiệu của người quen, chị H. tìm đến một nhà ngoại cảm tự xưng là thầy B. Sau khi làm lễ, sử dụng phương pháp “áp vong, gọi hồn”, thầy B. bỗng nhiên “nói cười khanh khách” chạy đến ôm từng người thân trong gia đình và tự nhận mình là “liệt sỹ”: “Thầy chạy vào trong nhà hết cười rồi lại khóc òa lên nức nở: Sau bao nhiêu năm xa cách cuối cùng cũng được về nhà rồi. Chính vì “màn diễn” y như thật của thầy mà gia đình mừng quýnh cứ ngỡ đã tìm được mộ thân nhân của mình rồi. Đinh ninh mang hài cốt cất bốc được theo lời thầy chỉ dẫn đến Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam giám định thì kết quả lại hoàn toàn sai lệch”, ông Phủng chia sẻ.

Đau lòng nhất là có nhiều gia đình vì tin lời nhà ngoại cảm một cách mù quáng mà họ “nhất quyết” không nhờ đến sự hỗ trợ của các trung tâm khoa học để xác thực. Theo ông Phủng, nhiều nhà ngoại cảm tìm mọi cách ngăn cản thân nhân liệt sỹ đi giám định ADN: “Họ - những người ngoại cảm còn không ngần ngại “dọa” gia đình liệt sỹ nếu mang hài cốt đi giám định sẽ bị người chết quở trách, bị “vật cho chết” mà tiêu tan cửa nhà. Nói đến mạng sống ai mà không sợ, không choáng váng mà thực hiện theo. Thủ đoạn của những nhà ngoại cảm này rất tinh vi, vô đạo đức khi đánh trúng tâm lý e dè sợ sệt của nhiều người vào vấn đề tâm linh”.

Hai gia đình “tranh nhau” một ngôi mộ

Làm việc trong Ban tư vấn của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, ông Hoàng Liêm kể về một trường hợp “oái oăm” chỉ vì quá tin lời nhà ngoài cảm mà có hai gia đình ở Bắc Ninh và Hải Dương đến giờ vẫn cùng tranh chấp một ngôi mộ liệt sỹ. Từng là Tiểu đội trưởng - Trung đoàn 271, ông Liêm khẳng định: “Đây chính là trường hợp đồng đội của tôi".

Liệt sỹ này là Trần Xuân Cẩn (Đại đội 1- tiểu đoàn 9 - trung đoàn 271) hi sinh cuối năm 1973 và được quy tập về nghĩa trang Phù Đăng (tỉnh Bình Phước). Qua thông tin đồng đội, gia đình đã xác định được vị trí chôn cất. Tuy nhiên khi tìm đến nơi thì bất ngờ ngôi mộ đã bị đào trộm từ nhiều năm trước. Tìm hiểu qua quản trang thì được biết, một gia đình ở Bắc Ninh đã mời nhà ngoại cảm vào làm lễ cất bốc. Điều trớ trêu là khi gia đình tìm về Bắc Ninh, bày tỏ mong muốn đưa di vật đi xét nghiệm thì gia đình này lại nhất quyết không cho vì họ khẳng định nhà ngoại cảm đã “phán” đây là thân nhân của họ”.

Ông Liêm bức xúc: “Rõ ràng nếu theo thông tin mà gia đình ở Bắc Ninh cung cấp thì liệt sỹ này từng chiến đấu ở phía Bắc Tây Nguyên không có lý do gì lại được chôn cất ở phía Nam Tây Nguyên cả...”.

Hay trường hợp của một liệt sỹ tên Bùi Khắc Hới (Thanh Hóa) hi sinh và được quy tập về nghĩa trang đường 9 thì nhà ngoại cảm P.T.B.H lại chỉ về nghĩa trang Hàm Rồng để bốc cất. Điều lạ là tuy chỉ khai quật được nắm đất đen nhưng gia đình vẫn cứ khăng khăng khẳng định đó là hài cốt của thân nhân mình mà không chịu tin vào những chứng cứ lịch sử mà nhiều đồng đội, nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu cùng mặt trận cung cấp.

Theo ông Hoàng Liêm, các gia đình liệt sỹ nên căn cứ vào giấy báo tử để bắt đầu hành trình tìm kiếm thân nhân của mình thất lạc trong chiến tranh. Gia đình liệt sỹ cần đem tờ giấy này đến liên hệ với đơn vị hỗ trợ tìm kiếm để họ dịch giải các ký hiệu, trích lục thông tin liệt sỹ. Khi có thông tin liệt sỹ thuộc tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn nào thì liên hệ với các đơn vị đó để xác định vị trí, tọa độ chôn cất. 

Trong trường hợp bị thất lạc giấy báo tử thì gia đình cần liên hệ đến các Sở Lao động thương binh và Lao động xã hội ở địa phương để xin cấp lại: “Bao giờ các Sở cũng lưu lại một bản giấy báo tử của các liệt sỹ. Nếu vẫn không thể xin được giấy báo tử thì nên căn cứ theo các di vật của liệt sỹ khi hi sinh để làm căn cứ xác định...”. Ông Liêm cũng khẳng định, trong trường hợp vẫn bế tắc trong việc tìm hài cốt liệt sỹ mà gia đình có nguyện vọng nhờ đến các nhà ngoại cảm thì bắt buộc phải đi giám định ADN đối với các hài cốt cất bốc được, để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.


Hà Trang - Xuân Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm