Hai Bộ phân giải việc vay vốn Trung Quốc làm đường sắt Hà Nội - Lào Cai

(Dân trí) - Gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, cử tri Bình Thuận đề nghị không chấp nhận vay vốn Trung Quốc để đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, với lý do là nhiều sự cố đã xảy ra từ nguồn vốn vay của Trung Quốc.

Hồi âm kiến nghị này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để từng bước đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình giao thông trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong nước còn nhiều khó khăn, thời gian vừa qua ngành giao thông vận tải đã tiếp nhận nhiều nguồn vốn vay hoặc viện trợ không hoàn lại từ các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á... và từ chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha,....

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, các nguồn vốn này đã góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo ngành giao thông vận tải, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Thông tin từ văn bản trả lời cử tri cũng thể hiện, trong lĩnh vực đường sắt, cũng đã sử dụng vốn vay từ các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế như: JICA, ADB, AFD, KfW.... để thực hiện một số dự án như nâng cao an toàn cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, hiện đại hóa thông tin, tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh giai đoạn 1, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 1, hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải...

Một thời gian sau khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một đôi tàu tuyến này đã được dừng chạy vì vắng khách.
Một thời gian sau khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một đôi tàu tuyến này đã được dừng chạy vì vắng khách.

Vốn của Chính phủ Trung Quốc được sử dụng cho các dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, giai đoạn 1; dự án hiện đại hóa thông tin, tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội giai đoạn 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Quá trình thực hiện các dự án này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công công trình, cơ quan trả lời cử tri khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông xác nhận, vẫn còn một số vấn đề như cử tri đã nêu như chậm tiến độ đưa vào khai thác và phát sinh sự cố. Đối với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội, hiện nay Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) của Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, với các tuyến đường sắt khác như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tiếp nhận nghiên cứu từ Chính phủ Nhật Bản (JICA); tuyến đường sắt Tân Ấp - Mụ Giạ - Vũng Áng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hàn Quốc hoặc về thể chế phát triển ngành đường sắt. Bộ cũng đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới...

“Như vậy, có thể thấy thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, đề xuất nhiều nhà tài trợ khác nhau để phát triển lĩnh vực đường sắt. Bộ sẽ lưu ý, cân nhắc ý kiến phản ánh của cử tri trong quá trình tham mưu trình Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn vay cho các dự án nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư” - văn bản trả lời kiến nghị phản ánh.

Cũng câu hỏi này, phía Bộ KH-ĐT cho biết thêm, dự án xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Hà Nội - Lào Cai nằm trong chương trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc: hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung. Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ, hai bên đang lập báo cáo nghiên cứu đường sắt hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung để làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư của các Ngân hàng Trung Quốc.

Hiện tại, căn cứ Công thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ngày 5/11/2015; các công văn của Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT, Cục Đường sắt Việt Nam được giao làm đầu mối phối hợp làm việc với Tổ chuyên gia đường sắt Trung Quốc, cung cấp số liệu thực hiện nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, dự kiến tổng mức đầu tư của dự án với quy mô đường đôi, điện khí hóa là 11 tỷ USD và suất đầu tư là 19,64 triệu USD/km.

Theo quy định, đây là dự án phải trình để Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

P.Thảo