Hạ tuổi nhập ngũ và thời gian phục vụ quân ngũ
Hôm qua 16/5, Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) các dự án luật nghĩa vụ quân sự, hải quan, luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quy định lại độ tuổi nhập ngũ và thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 2 sửa đổi quan trọng nhất trong dự luật nghĩa vụ quân sự.
Theo luật hiện hành, tuổi gọi nhập ngũ của nam công dân VN là từ đủ 18 đến hết 27. Dự luật đề nghị sửa lại từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà lý giải: "Trong thời bình số lượng tuyển quân không nhiều trong khi lại cần nâng cao số lượng, chất lượng quân nhân dự bị. Hạ độ tuổi để những thanh niên từ 26 - 27 không tham gia nghĩa vụ tại ngũ sẽ chuyển sang phục vụ ở ngạch dự bị (trên 1 triệu người). Mặt khác tuyển thanh niên có độ tuổi trẻ sẽ góp phần nâng cao chất lượng quân đội".
Mặc dù còn ý kiến băn khoăn về việc giảm thời hạn phục vụ tại ngũ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, chiến đấu của quân đội, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh vẫn bày tỏ sự đồng tình với sửa đổi tại điều 14: thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ trong thời bình giảm từ 2 năm hiện hành xuống còn 18 tháng; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân cũng giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm.
Cũng trong phiên họp chiều qua, QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan và Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) sửa đổi. Đây là 2 dự án luật được giới doanh nghiệp rất quan tâm do có nhiều thay đổi lớn về cách tính thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, về thủ tục kê khai, tỷ lệ kiểm tra hàng hóa tại cơ quan hải quan...
Về dự án Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi), một điểm đáng chú ý (điều 2) trong Tờ trình của Chính phủ là đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế XK, thuế NK tương tự các doanh nghiệp trong khu chế xuất như các doanh nghiệp trong Khu thương mại và phát triển kinh tế Lao Bảo, Khu kinh tế mở Chu Lai... Điều này đã gây tranh luận.
Một số ý kiến đồng ý như tờ trình nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, "quy định thêm các đối tượng được hưởng ưu đãi" về thuế như vậy cần phải "được cân nhắc thận trọng", vì một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO là không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một số Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH còn đề nghị "rà soát lại các chính sách đặc thù đối với các khu kinh tế" để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong việc nộp thuế.
Theo Thanh Niên