1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh, Quảng Bình cô lập trong lũ lớn

(Dân trí) - Mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chìm sâu trong nước. Cho đến 17h chiều qua, ít nhất đã có hơn chục người dân thiệt mạng, nhiều xã bị cô lập trong dòng nước lớn sâu từ 1 đến 1,5m…

>> Mưa lớn chưa từng có, Hà Tĩnh ngập trong nước

>> Hoãn nhiều chuyến tàu Bắc Nam vì mưa lũ

 

Hà Tĩnh: Nhiều xã bị cô lập, người chết tiếp tục gia tăng

 

Mưa lớn kèm theo gió mạnh tiếp tục kéo dài trên diện rộng ở Hà Tĩnh suốt từ đêm 6/8 cho tới chiều 7/8. Lượng mưa đo được tại nhiều địa điểm trong toàn tỉnh là cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, tại địa bàn huyện Hương Khê, lượng mưa đo được là 625,5mm, khiến mực nước trên sông Ngàn Sâu lên rất nhanh, hiện đã vượt mức báo động III. Đặc biệt, Quốc lộ 15A bị ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông và chia cắt nhiều thôn xóm tại xã Phúc Đồng và Hà Linh.

 

Tuy nhiên, nặng nhất cho đến lúc này là địa bàn huyện Kỳ Anh. Tại vùng Thượng, bao gồm các xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc… nhiều thôn đã bị ngập chìm trong nước, cộng với điện bị cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn khiến hàng chục ngàn hộ dân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

 

Ngưng tất cả các cuộc họp để đối phó với lũ

 

Sáng sớm nay, ông Trần Thanh Bình, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo toàn tỉnh ngưng tất cả các cuộc họp, tập trung vào công tác phòng chống lũ và ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa hình thành trên biển Đông.

 

Đến khoảng 9 giờ sáng nay, lũ ở huyện Kỳ Anh đã rút, Quốc lộ 1A bắt đầu thông.

 

Hiện tại thống kê số người chết và mất tích trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn là 7 người, trong đó có 1 người chưa xác định được danh tính, bị trôi cả xe và người trên địa phận huyện Thạch Hà.

Cũng do mưa lớn, hiện hệ thống kênh chính của sông Rác bị vỡ tới 5 đoạn; tràn Sông Trí - tràn quan trọng nhất của Kỳ Anh bảo vệ nhiều địa phương trong huyện hiện nước cũng vượt ngưỡng tràn tới 1,3m; tuyến Quốc lộ 1A dài hơn chục km chạy suốt từ thị trấn Kỳ Anh tới xã Kỳ Thọ hiện bị ngập sâu trong nước từ 1 đến 1,5m khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

 

Nước sông dâng cao khiến nhà cửa, trường học, cầu cống, đê điều, cột điện… gãy và bị sạt lở nghiêm trọng. Theo thống kê mới nhất từ Ban chỉ huy PCBL tỉnh, hiện Hà Tĩnh có gần chục người bị thiệt mạng, trong đó tại Kỳ Anh là 4 người, Thạch Hà 1 người, Hương Khê 2 người; gần 20 ngôi nhà bị sập, 200 ngôi nhà và 5 trường học bị tốc mái.

 

Ngoài ra, hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu các loại đã bị lũ tàn phá tanh bành; hàng trăm km đường dây điện bị đứt, 4.500m3 đường giao thông bị sạt lở, 29 cầu cống bị sập và cuốn trôi… Ước tính thiệt hại ban đầu tại Hà Tĩnh lên đến hơn 50 tỷ đồng.

 

Quảng Bình: Bám nóc nhà để tránh lũ

 

Ngày 7/8 là ngày thứ tư, hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa mưa to không ngớt cũng gây lũ lớn trên lưu vực sông Gianh. Trận lũ này theo người dân địa phượng còn lớn hơn trận lũ lịch sử năm 1993.

 

Đến chiều tối ngày 7/8, lượng mưa đo được tại trạm Đồng Tâm (Tuyên Hoá) là 810mm, tại Minh Hoá 768mm. Mực nước lũ trên sông Gianh tại Mai Hoá trên mức báo động III hơn 3,5m, gây nên lũ lụt lớn.

 

Tại huyện Tuyên Hóa, qua điện thoại, ông Đinh Công Hải - Bí thư huyện ủy thông báo cho hay, mưa lũ đã làm hơn 8.000 ngôi nhà ngập sâu hơn 2m nước. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt hoặc sạt lỡ gây ách tắc và cô lập các vùng dân cư.

 

Quốc lộ 12A tê liệt hoàn toàn tại các xã Mai Hóa, Thuận Hóa, Tiến Hóa. Đặc biệt tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận huyện Tuyên Hoá cũng bị sạt lở và ngập ở nhiều điểm gây ách tắc từ 10 giờ trưa ngày 7/8.

 

Thống kê thiệt hại hoa màu ban đầu đã có hơn 2.000ha ở Minh Hóa, Tuyên Hóa bị mất trắng do lũ, hằng trăm bè cá, ao hồ nuôi tôm bị mất trắng.

 

Đến 19 giờ ngày 7/8 trời vẫn tiếp tục mưa rất to, nước lũ vẫn tiếp tục dâng. Tại rốn lũ Thạch Hoá, Thuận Hoá (Tuyên Hoá), lũ đã biệt lập 2 xã này với thế giới bên ngoài, ở đây có hơn 180 nhà dân nước ngập gần nóc, mọi người phải bám vào nóc nhà để bảo đảm tính mạng.

 

Cách đó không xa, đập Bẹ ở xã Mai Hoá chứa hơn 7 triệu m3 nước bị rạn nứt nhiều đường, nguy cơ bị vỡ rất cao, nếu vỡ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của 26 hộ dân ở phía dưới chân đập. Nước lũ cũng làm ngập băng tải vật liệu của Nhà máy xi măng Sông Gianh đóng ở xã Tiến Hoá, khiến nhà máy này phải ngừng hoạt động lúc 15 giờ chiều.

 

Trên sông Gianh, một chiếc xà lan thi công cầu Quảng Hải đã bị đứt dây neo trôi ra biển, hiện chưa tìm thấy được. Phà Phú Trịch phải ngừng hoạt động, giao thông của 12 xã phía nam Quảng Trạch với thế giới bên ngoài hoàn toàn bị cắt đứt.

 

Trong khi đó, tại các xã Trọng Hóa, Dân Hóa - huyện Minh Hóa bị chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt tại xã Thượng Hóa có gần 700 nhân khẩu của đồng bào Rục lại bị nước lũ cô lập, UBND tỉnh Quảng Bình đã cứu trợ khẩn cấp 1 tấn gạo lên đồng bào Rục. Đường Hồ Chí Minh tại đèo Đá Đẽo bị sạt lở mạnh, giao thông qua đoạn này bị tê liệt nặng.

 

Cả ngày 7/8, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ thị dừng mọi cuộc họp để dồn tổng lực giúp dân chống lũ. Ông Phương nhấn mạnh, cả ngày 8/8 cũng ngừng họp để cứu đói cho dân vùng lũ, giúp dân thoát khỏi trọng điểm lũ lớn ở Tuyên Hóa, Minh Hóa.

 

Trước tình hình hàng ngàn người dân mắc kẹt trong lũ, Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã khẩn trương đưa 4 tàu cao tốc, 2 tàu lớn của Hải đội 2 và 2 tàu của ngành Thuỷ sản vào cuộc cứu trợ di dời dân. Ngoài ra, lực lượng bộ đội Quảng Bình cũng điều động 2 tàu cao tốc, 4 ô tô lội nước, 100 phao cứu sinh và hằng trăm nhà bạt lên vùng lũ cứu dân.

 

Tỉnh đội Quảng Bình cũng thông báo nếu nước lũ tiếp tục dâng với tình huống xấu nhất sẽ đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu IV đưa máy bay trực thăng đến di chuyển dân ra khỏi vùng lũ dữ. Vào lúc chiều tối 7/8, tại xã Thạch Hoá, Thuận Hoá đã có 200 chiến sĩ bộ đội, biên phòng và công an được điều tới di chuyển dân đến nơi an toàn.

 

Thông tin cuối ngày chúng tôi nhận được, hiện ở Quảng Bình đã có 2 người chết, 1 người bị thương do lũ lụt gây nên. 

Văn Dũng - Minh San