1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết "thuận thiên"?

Trung Chánh

(Dân trí) - Sau hơn ba năm Nghị quyết 120 hay còn gọi là Nghị quyết "thuận thiên" đi vào cuộc sống, hạ tầng giao thông vùng đất "chín rồng" đã có những chuyển biến tích cực.

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết thuận thiên? - 1

Cầu Vàm Cống trong ngày thông xe (Ảnh: Nguyễn Hành).

Cách đây hơn ba năm, vào tháng 11/2017, Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng biến đổi khí hậu đã được Chính phủ ký ban hành. Và Nghị quyết 120 được giới chuyên môn đánh giá là Nghị quyết "vàng" mang tính đột phá, có ý nghĩa lịch sử với 20 triệu dân vùng đất "chín rồng".

Nghị quyết 120 nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2050, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.

Nhiều dự án trọng điểm "đi" vào cuộc sống

Qua hơn ba năm nghị quyết "thuận thiên" được triển khai, nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính chất kết nối, tạo sức lan tỏa cho vùng ĐBSCL đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh: "Chúng tôi đã trực tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trong vùng và trong hơn ba năm qua, chúng tôi đã hoàn thành được nhiều dự án quan trọng".

Cụ thể, theo ông Thể, dự án cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi đã hoàn thành, đưa vào khai thác. "Ba dự án này giúp hình thành được trục mới từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Kiên Giang, tạo thêm tiềm năng thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế", ông cho biết.

Theo ông Thể, đến hết năm nay, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sẽ được thảm nhựa và đưa vào khai thác. "Dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng được bố trí 5.000 tỉ và sẽ hoàn thành trong năm 2023; đoạn cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ hoàn thành trong năm 2022", ông dẫn chứng và cho rằng, toàn bộ tuyến cao tốc nối từ TPHCM đến Cần Thơ- trung tâm động lực của vùng ĐBSCL- sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết thuận thiên? - 2
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đang được xây dựng.

Không dừng lại ở đó, vị tư lệnh ngành giao thông vận tải cho biết, ông đang chuẩn bị trình Quốc hội xây dựng tuyến cao tốc nối từ TP Cần Thơ về tới Cà Mau, giúp hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc nối từ Lạng Sơn đến Cà Mau trong nhiệm kỳ 2021-2025.

"Một tuyến cao tốc quan trọng khác, đó là tuyến từ Châu Đốc kết nối đến Long Xuyên (An Giang)- Cần Thơ và Sóc Trăng để nối đến cảng quốc tế Trần Đề, chúng tôi cũng đã xây dựng xong việc xin chủ trương đầu tư và trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng khởi công", ông cho biết.

Theo ông Thể, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL khi tổng vốn đầu tư sẽ tăng đến 96% so với nhiệm kỳ 2016-2020, tức đạt 57.000 tỉ đồng trong nhiệm kỳ này so với 29.000 tỉ đồng của nhiệm kỳ trước.

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết thuận thiên? - 3
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hôm 4/1/2021.

Kết luận tại "Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu" được tổ chức ở TP Cần Thơ vào cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh "8G" của ĐBSCL, trong đó có chữ "Giao" đứng đầu, chính là Giao thông.

Thủ tướng nhấn mạnh phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL. "Đặc biệt, là hệ thống đường cao tốc tạo sự kết nối thuận tiện với chi phí thấp, thúc đẩy giao thông, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu", Thủ tướng phát biểu.

Hạ tầng kết nối phải trên cơ sở "liên kết không gian kinh tế"

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài nguồn lực đầu tư thông qua các bộ như: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế…, với tổng vốn khoảng 121.600 tỉ đồng, thì giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý là khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162.000 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là khoảng 82.000 tỉ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22.000 tỉ đồng.

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết thuận thiên? - 4
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối liền Vĩnh Long- Cần Thơ.

Với nguồn lực nêu trên, theo ông Dũng, sẽ hoàn thành các công trình đường ven biển, từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ Giác Long Xuyên…

Ông Thể của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đơn vị này đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong tháng 4/2021. 

Theo ông Thể, trong quy hoạch có một điểm mới, mang tính đột phá, đó là vùng ĐBSCL cần phải có một cảng nước sâu để đưa hàng hóa của vùng trực tiếp ra thế giới và ngược lại. "Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn", ông Thể nói.

Hạ tầng ĐBSCL khởi sắc ra sao sau 3 năm có Nghị quyết thuận thiên? - 5

Bến tàu cao tốc Sóc Trăng đi Côn Đảo ở cảng Trần Đề (Ảnh: Cao Xuân Lương).

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, quy hoạch hạ tầng phải trên cơ sở liên kết không gian kinh tế. "Ví dụ, Hậu Giang và Kiên Giang đều có vùng trồng khóm, vậy tại sao hai bên không hợp tác hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn?", ông đặt câu hỏi.

"Nhiều khi hạ tầng trong quy hoạch chỉ là "đường làng", nhưng khi có liên kết không gian kinh tế, tức chúng ta hình dung để có được nhà máy, có cụm liên kết ngành đặt ở vị trí này, thì tất cả hạ tầng ở đó phải đi theo để phục vụ", ông nói.

Theo ông Hoan, để chuẩn bị hạ tầng trong trung hạn, cần phải tính toán không gian liên kết kinh tế. "Bởi từ không gian kinh tế đó, chúng ta mới nhìn hạ tầng rõ hơn, biết logistics đặt ở đâu nó tốt hơn, kho bãi ở chỗ nào tốt hơn…", ông giải thích.