Đất chín rồng "cất cánh" nhờ Nghị quyết 120
(Dân trí) - Phát biểu tại Hội nghị về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, lãnh đạo bộ, ngành và địa phương đều khẳng định Nghị quyết 120 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả trong thực tế.
Cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên triển khai 4 lĩnh vực then chốt gồm: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Bộ đã phối hợp với 13 tỉnh thành ĐBSCL xây dựng xong các đề án, chương trình cho các lĩnh vực này, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, đang tập trung thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực, nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì vừa qua để thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên thủy sản, trái cây, lúa gạo".
Ông Cường nhắc tới các con số: năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD; năm 2020 là 8,8 tỷ USD; cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về nguồn lực nhưng Chính phủ đã tập trung cao độ, như bố trí 10 nghìn tỷ đồng để xử lý 119km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.
"Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cực kỳ quyết liệt, chưa bao giờ bước vào mùa khô mà Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý như nhiệm kỳ này. Đặc biệt 13 tỉnh, bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia hiệu quả vào Nghị quyết", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tập trung nguồn lực phát triển giao thông ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, giao thông được mệnh danh là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Do đó, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL.
Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ.
Một là điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng, đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 với tiêu chí sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng. Hai là tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.
Ông Thể cũng cho biết, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, Bộ đã trực tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng. Ba năm qua đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm ĐBSCL để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.
Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ GTVT có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau - Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ và Sóc Trăng.
"Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL khoảng 57 nghìn tỷ đồng (nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29 nghìn tỷ đồng). Mong rằng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững", ông Thể cho biết.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 3 vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh cũng là 3 thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển là giữ đất, giữ nước, giữ người.
Giữ đất là phòng chống sạt lở, không để mất đất ven sông, ven biển. Giữ nước là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Giữ người là bảo vệ tính mạng, sự sống và phát triển của con người, hạn chế tình trạng di dân, dịch chuyển lao động đi nơi khác.
Giữ đất của Cà Mau đồng nghĩa với giữ rừng. Với nước biển dâng và biến đổi khí hậu, do lượng phù sa giảm mạnh, rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng. Trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển.
Để giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống "đê, kè mềm", phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với các lớp tạo chắn sóng... Tuy nhiên, các dự án này lại vướng vào mốc giới rừng, do đó, Cà Mau kiến nghị Chính phủ và Trung ương có các chính sách về phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để vừa giữ đất, giữ rừng và phát triển kinh tế địa phương.
Vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa đang ngày càng nghiêm trọng. Ưu tiên của Cà Mau trong những năm tới là tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, hình thành các tiểu vùng khép kín gắn với hệ thống thủy lợi nội đồng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Hiện Cà Mau có khoảng 1,2 triệu người, trong đó lực lượng lao động hơn 600.000 người. Tuy nhiên, hiện khoảng 200 ngàn người, chiếm khoảng 1/3 lao động của tỉnh đang làm việc ở tỉnh ngoài. Nguyên nhân lớn nhất là Cà Mau chưa có nhiều việc làm chất lượng và có thu nhập tốt. với điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng logistics; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, bài toán thu hút đầu tư của Cà Mau trong những năm qua gặp nhiều khó khăn.