Hà Nội yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu trường khiến dân bức xúc
(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu các biện pháp giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp; không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân…
UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố.
Trong văn bản, thành phố yêu cầu UBND 30 quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định…
Đặc biệt, Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu, báo cáo UBND Thành phố các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp học trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày…
Ngoài ra, thành phố lưu ý UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm công tác phát triển cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngoài công lập trên địa bàn để giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.
Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hà Nội giao chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, các Sở, ngành liên quan, các địa phương tham mưu UBND TP tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị nêu trên có trách nhiệm thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề thiếu trường lớp ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quan tâm công tác phát triển cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngoài công lập trên địa bàn để giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư…
Sở, ngành buông lỏng quản lý các dự án khu đô thị, khu nhà ở
Vấn đề thiếu trường học tại các khu đô thị đã được Ban Văn hóa - xã hội của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ vào năm 2019.
Báo cáo về kết quả giám sát việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố (từ năm 2016-2019) thể hiện, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Ở giai đoạn này, hàng loạt khu đô thị bị đoàn giám sát nêu tên.
Dù đã được cảnh báo nhưng hồi tháng 8 vừa qua, dư luận xôn xao khi hay tin hàng trăm phụ huynh đã tham gia bốc thăm để giành suất cho con (lứa 3-4 tuổi) vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023.
Theo chính quyền sở tại, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác.
Mới đây, tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn còn nhiều bất cập, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội.
"Các Sở, ngành là cơ quan tham mưu nhưng buông lỏng quản lý. Có buông lỏng mới thế. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước các lãnh đạo của thành phố" - ông Thanh nói.