Phó Chủ tịch Hà Nội: Trường học "đi trước" mà chưa có dân thì lấy ai học?
(Dân trí) - Dù khẳng định cấu trúc phát triển của một khu đô thị mới phải được thực hiện đồng bộ nhưng lãnh đạo Hà Nội đặt giả thiết, nếu hạ tầng xã hội "đi trước" thì lấy đâu dân cư mà học tập?
Trả lời trước câu hỏi của đại biểu tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, cả quá trình thực hiện chủ trương đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư, vận hành, khai thác là một quá trình tương đối dài, phức tạp với nhiều luật pháp và tùy thuộc tính chất của đô thị, khu nhà ở.
Ngoài ra, vấn đề nêu trên còn liên quan đến năng lực của chủ đầu tư, khả năng phối hợp của chủ đầu tư với chính quyền thành phố, các Sở ngành; điều này đòi hỏi thực hiện phải đồng bộ cả về mặt quản lý chứ chưa nói đến việc triển khai thực hiện khu đô thị, khu nhà ở.
Theo ông Tuấn, pháp luật về đầu tư, xây dựng nhà ở quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng nội dung về tiến độ đầu tư và đảm bảo chất lượng theo quy định chặt chẽ của Nhà nước. Đồng thời, có rất nhiều quy định liên quan đến vấn đề chủ đầu tư phải bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền sở tại theo phân cấp quản lý nhà nước để khai thác, sử dụng.
Về thời điểm, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, nếu xem xét cấu trúc phát triển của một khu đô thị mới hay khu nhà ở thì phải phát triển đồng bộ, toàn diện, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội đặt giả thiết rằng, nếu hạ tầng xã hội "đi trước" thì lấy đâu dân cư mà học tập tại khu đô thị đó. "Hay như là khi đầu tư các chung cư cao tầng hoặc khu vực nhà thấp tầng thì hình thành ra đô thị hóa khu vực phân bố dân cư nhưng lại không có trường học, không có các điều kiện đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng công cộng thì cũng không sao" - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, có một xu hướng chung của thị trường, đó là các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan sẽ đầu tư khu vực kinh doanh trước. Sau đó, khu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thường là sẽ "chạy theo".
Cuối cùng, trước thực trạng nhiều dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu ở Hà Nội chậm triển khai, gây bức xúc dư luận, vị lãnh đạo Hà Nội khẳng định, UBND TP sẽ củng cố các quy định pháp lý, đối chiếu các nội dung để tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư kể cả giám sát cộng đồng đầu tư để có biện pháp thúc đẩy đồng bộ việc đầu tư hạ tầng tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; có các giải pháp, lộ trình cụ thể (rõ cơ quan, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ sự phối hợp và rõ tiến độ) để hoàn chỉnh toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
"Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định và nghiên cứu để công khai thông tin, đưa vào tiêu chí để không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố" - ông Tuấn nhấn mạnh.
15 dự án khu đô thị "quên" vườn hoa, trường học
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025".
Nội dung chuyên đề thể hiện, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, các khu thể dục thể thao, vui chơi, giải trí,... trong các khu đô thị, khu nhà ở vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức.
Qua rà soát tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông): Có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch được thực hiện cơ bản đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân khu vực dự án.
Đặc biệt, còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Tuy nhiên, chuyên đề do thành phố ban hành không nêu cụ thể tên của 15 dự án này.