Hà Nội: Xây lại chợ Ninh Hiệp - Đừng đùa với sinh kế của dân!
(Dân trí) - Chợ Nành – Ninh Hiệp được xếp vào chợ đầu mối loại 1 lớn nhất cả nước chuyên cung cấp vải may mặc, quần áo, giày, dép… Gần như 100%, các hộ tiểu thương buôn bán truyền thống lâu đời tại chợ này là người dân bản địa.
Tiểu thương chưa muốn xây chợ mới
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thì chợ Nành – Ninh Hiệp là chợ lâu đời của dân nơi đây. Nó không có nghĩa đơn thuần là “chợ” buôn bán thương mại mang lại cuộc sống miếng cơm manh áo từ thế hệ này sang thế hệ khác của người dân Ninh Hiệp, mà nó còn có những nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Chính vì vậy, việc xây dựng chợ Nành – Ninh Hiệp ở bất kể thời điểm nào nếu không tìm được sự đồng thuận của người dân sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là dự án sẽ đổ bể.
Ông Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trao đổi với phóng viên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều tiểu thương chợ Nành – Ninh Hiệp cho biết sẵn sàng ủng hộ chính quyền xây dựng, cải tạo lại chợ để bảo đảm an toàn về công tác an ninh, PCCC. Tuy nhiên việc xây dựng chợ không phải giao cho các cá nhân doanh nghiệp ngoài địa bàn Ninh Hiệp “nhảy” vào đấu thầu sau đó thực hiện các phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng như kiểu “đánh úp”, rồi bán lại cho người dân với giá cao ngất ngưởng tới hàng chục tỉ đồng/ki - ốt.
Các hộ tiểu thương trong chợ cũng ủng hộ hướng cải tạo như lời ông Nguyễn Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói là "nhà nước và nhân dân cùng làm". Nghĩa là các hộ tiểu thương sẽ bầu ra Ban quản trị của chợ là HTX Dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp để đại diện cho hơn 1 nghìn tiểu thương. Sau đó ban quản trị có trách nhiệm lập dự án để xây dựng cải tạo chợ với sự thống nhất của các hộ tiểu thương.
Nguồn vốn xây dựng chợ sẽ do các hộ tiểu thương đóng góp và một phần do nhà nước hỗ trợ. Theo đó, hàng năm các tiểu thương buôn bán trong chợ sẽ phải trả tiền thuê mặt bằng các ki ốt, tiền thuế về cho nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này vào chiều ngày 16/1, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, năm 2010, ông có đề xuất phương án xây dựng chợ như vậy với các tiểu thương xã Ninh Hiệp. Nhưng sự việc kéo dài tới ngày nay, không thấy các hộ tiểu thương thực hiện việc bầu ra Ban quản trị để tiến hành các bước làm dự án xây dựng chợ.
Chợ Nành - Ninh Hiệp là nơi tập trung buôn bán lớn nhất của cả nước về mặt hàng vải may mặc với khoảng 1.300 - 1.600 tiểu thương.
Còn theo các hộ tiểu thương tại chợ Ninh Hiệp, do thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, cộng với việc các hộ tiểu thương đến hết năm 2015 mới kết thúc hợp đồng nên họ chưa tính đến việc xây dựng chợ mới ở thời điểm này. Ngoài ra bên cạnh chợ đang có 2 Trung tâm thương mại khác khang trang, sạch đẹp còn thừa cà nghìn m2 diện tích các ki ốt.
Dự án xây chợ Nành – Ninh Hiệp từng bị đổ bể
Theo tài liệu thu thập của phóng viên Dân trí, chợ Nành – Ninh Hiệp là chợ loại 1, có diện tích trên 6.000m2, chuyên kinh doanh vải may mặc, quần, áo… Vào năm 2009 chợ có 654 hộ tiểu thương kinh doanh đến nay có khoảng 1.300 -1.600 hộ kinh doanh.
Vào tháng 12/2009, liên ngành Công thương – Liên minh HTX Thành phố - UBND huyện Gia Lâm có tờ trình liên ngành lên UBND TP Hà Nội để chuyển đổi mô hình quản lí kinh doanh khai thác chợ Nành với nhiều lí do khác nhau. Trong đó có lí do để chợ Nành cho HTX dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp quản lí khiến chợ xuống cấp nhanh, khả năng tài chính và năng lực quản lí còn nhiều hạn chế.
Ngày 26/1/2010, UBND TP Hà Nội ra văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi mô hình quản lí, kinh doanh khai thác chợ Nành – Ninh Hiệp theo đề nghị của liên ngành.
Sau đó, quá trình thực hiện phương án xây dựng lại chợ Nành – Ninh Hiệp theo mô hình mới để khai thác quản lí của liên ngành công thương đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của hàng trăm hộ tiểu thương, gây mất ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.
Ngày 19/7/2010, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm – Nguyễn Huy Việt đã phải gửi công văn lên UBND TP Hà Nội “xin” thành phố chấp thuận cho dừng phương án chuyển đổi quản lí chợ Nành và việc chuyển đổi chợ Nành sẽ được tiếp tục khi có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Công văn của UBND huyện Gia Lâm đã được UBND Hà Nội chấp thuận phương án dừng chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lí chợ.
Việc chuyển đổi xây dựng, cải tạo chợ Nành - Ninh Hiệp thành Trung tâm thương mại đã không tìm được sự đồng thuận của người dân.
Đến sáng ngày 14/1 vừa qua, khi hay tin các đơn vị chủ đầu tư được giao việc phá bỏ, di dời trường chuẩn của xã đến vị trí khác và lấy thêm nhà gửi xe để xây chợ Nành thành Trung tâm thương mại. Hơn 1 nghìn hộ tiểu thương ở đây đã đóng cửa kinh doanh, cho con em nghỉ học để phản đối dự án và hàng trăm người đã kéo nhau lên UBND huyện và thậm chí cấp cao hơn để xin được đối thoại.
Việc lấy trường học, nhà gửi xe của chợ Nành để xây dựng chợ Nành thành Trung tâm thương mại chưa tìm được sự đồng thuận của người dân như công văn của UBND huyện Gia Lâm “hứa” trước đó với UBND TP Hà Nội. Bởi lẽ, chợ Nành mặc dù là “chợ quê”, không phải Trung tâm thương mại khang trang đang bị “bỏ hoang” nhưng chợ Nành đã đem lại miếng cơm manh áo cho người dân Ninh Hiệp có cuộc sống ấm no hơn. Ngoài ra việc bà con Ninh Hiệp có mặt tại chợ Nành từ lâu đời đã như một nét sinh hoạt văn hóa của vùng quê. Mà cũng không phải bỗng dưng chợ Nành được đứng ở vị tưrí số 1 toàn quốc trong các chợ đầu mối cung cấp về vải may mặc và quần áo.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Tuấn Hợp