1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Vì sao cột điện có thể “chui” vào trong nhà?

(Dân trí) - Chủ căn nhà phân trần, cây cột điện được trồng khi ngôi nhà đang thi công tầng 1. Khi đổ trần, cây cột chưa được phá bỏ, dẫn đến việc ngôi nhà phải “ôm” cột điện vào trong.

Liên quan đến vụ việc cột điện “mọc” xuyên trần nhà ở Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Thơm, chủ căn nhà “ôm” cột điện trên, cho biết, căn nhà gia đình bà đang tiến hành xây dựng được UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép ngày 9/9/2015. Quá trình khởi công xây dựng tầng 1, Ban quản lý dự án tả ngạn, đơn vị thi công đường Trần Khát Chân kéo dài, đã trồng tạm cây cột điện trước cửa nhà bà để cấp điện cho các hộ dân trong ngõ.

Cột điện chui vào trong nhà.
Cột điện "chui" vào trong nhà.

“Tưởng là đường làm nhanh nhưng không ngờ họ làm lâu thế. Do tôi chủ quan nên mới dẫn đến việc cột điện ở trong nhà như thế.” - bà Thơm phân trần.

Theo giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế ngôi nhà do bà Thơm cung cấp, căn nhà trên được cấp phép đúng quy định. Mật độ xây dựng được cấp phép là 100% và gia đình bà Thơm cũng đã xây dựng hết phần diện tích đất của nhà mình. Tuy nhiên, thay vì xây dựng phần ban công nhô ra 1m, gia đình bà Thơm lại biến phần ban công này thành sàn nhà, vì vậy mới có chuyện cột điện mọc trong nhà như phản ánh. Như vậy, từ tầng 2 đến tầng 4 của ngôi nhà, mỗi tầng đã “ăn gian” được 4-5m2.

Đánh giá về vi phạm này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh - cho hay, hành vi của chủ đầu tư xây dựng căn nhà trên đã vi phạm vào điểm 2.8.10 của “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng” ban hành theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo phân tích của luật sư Tuấn, điểm 2.8.10 của bản quy chuẩn trên quy định các trường hợp phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ. Cụ thể, tùy theo chiều rộng lộ giới, các công trình xây dựng được phép nhô ra 0-1,4m.

“Bản quy chuẩn này cũng quy định, trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng. Đối chiếu với ngôi nhà trên thì chủ đầu tư xây dựng đã có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng. Hành vi này sẽ bị xem xét, xử phạt theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.” - luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.

Thông tin từ Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho hay, Công ty điện lực Hai Bà Trưng vừa có văn bản báo cáo EVN Hà Nội về trường hợp trên. Theo đó, cây cột điện trên được BQL dự án tả ngạn trồng từ tháng 10/2015 trong quá trình thực hiện dự án đường vành đai I. Cây cột này nằm trong dự án di dời, hạ ngầm cáp điện nên BQL dự án tả ngạn chưa bàn giao cho Công ty điện lực Hai Bà Trưng quản lý.

Tiếp nhận thông tin từ báo chí về sự việc này, Công ty điện lực Hai Bà Trưng đã có công văn gửi BQL dự án tả ngạn, UBND phường Thanh Lương, đề nghị phối hợp với chủ đầu tư để xử lý dứt điểm sự việc.

Điều đáng ngạc nhiên là hiện tượng "cột điện mọc trong nhà" rất... kỳ lạ này xảy ra trên một con phố lớn ở Thủ đô mà lại không gặp phải sự phản ứng của cơ quan chức năng nào. Được biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng báo cáo, xử lý vụ việc.

Tiến Nguyên