1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội vẫn nhiều xã hơn phường, huyện hơn quận

(Dân trí) - Số xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận là thực tế sau khi mở rộng Hà Nội nhưng hiện nhiều xã đô thị hóa đạt các tiêu chuẩn của phường, một số huyện đạt tiêu chí của quận. Số cấp phó đã giảm nhưng số biên chế hành chính tăng hơn 1.500 người.

Giải trình bổ sung Báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan do Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thay mặt Chính phủ ký khẳng định, sau 5 năm mở rộng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách do tác động xấu, trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu; lạm phát, suy giảm kinh tế trong nước, ảnh hưởng của thiên tai ngập lụt, rét đậm một số năm kéo dài, diễn biến dịch bệnh ảnh hưởng nhưng Hà Nội vẫn thực hiện thắng lợi kết luận của TƯ.

Kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn chiếm trên 10% cả nước. Tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2008 – 2012 đạt 9,51%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2012, GDP bình quân đầu người tăng 1,33 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 1,86 lần, thu ngân sách tăng 2 lần so với 2008 (năm đầu tiên thực hiện mở rộng địa giới hành chính thành phố)…

Trước đó, từ tháng 10, báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết mở rộng Hà Nội của Chính phủ được UB Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, đề nghị bổ sung nhiều nội dung khi cơ quan này cho rằng, thủ đô sau mở rộng không những chưa thực sự được hưởng đầy đủ những giá trị thiết yếu cho cuộc sống, mà người Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Báo cáo giải trình lần này thực hiện theo yêu cầu đó.
 
 5 năm sau khi mở rộng, nhiều khu vực nông thôn đã đô thị hóa đạt tiêu chí đô thị
 5 năm sau khi mở rộng, nhiều khu vực nông thôn đã đô thị hóa đạt tiêu chí đô thị

Báo cáo của Chính phủ đề cập nhiều vấn đề cụ thể. Trước hết, về việc số xã nhiều hơn phường, số huyện nhiều hơn quận, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, đây là một thực tế về số liệu thống kê khi các đơn vị hành chính trước khi hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, sáp nhập huyện Mê Linh và chuyển 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về Hà Nội.

Qua 5 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển chung của Hà Nội, các huyện, xã thuộc khu vực nông thôn trước khi hợp nhất cũng có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Có rất nhiều công trình hiện đại, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên trên địa bàn những nơi trước đó là khu vực nông thôn. Toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội đã được tập trung đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiều xã đô thị hóa đạt các tiêu chuẩn của phường, một số huyện đã đạt tiêu chí đô thị của quận.

Về việc chuyển thành phố Hà Đông thành quận, thành phố Sơn Tây thành thị xã, chuyển các xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về Hà Nội, Chính phủ thừa nhận còn chậm và hiện vẫn còn đang tranh chấp về địa giới hành chính một số tỉnh.

Bộ trưởng Nội vụ giải thích, tuyến địa giới hành chính giữa Hòa Bình với Hà Tây trước đây có 7 điểm tranh chấp từ năm 1991. Đây là vấn đề tồn đọng từ trước khi hợp nhất và đã nhiều lần hiệp thương giữa 2 tỉnh Hà Tây, Hòa Bình nhưng vẫn chưa giải quyết được. Sau khi mở rộng Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ TN-MT, TP.Hà Nội, tỉnh Hòa Bình khảo sát, xác định phương án phân định địa giới hành chính giữa 2 địa phương. Đến nay, toàn tuyến địa giới hành chính giữa TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã phân định xong. Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã được 2 bên ký kết, việc bàn giao đất đai, dân cư, cơ sở vật chất tại các khu vực tranh chấp trước đây đã hoàn thành.

Theo báo cáo của UBND Hà Nội, tuyến địa giới hành chính giữa thành phố và tỉnh Hà Nam còn 1 điểm chưa thống nhất (giữa xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội với xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam), 1 điểm chưa thống nhất với tỉnh Vĩnh Phúc (giữ xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Trong thời gian tới, ông Bình khẳng định, sẽ khảo sát, xác định phương án phân định địa giới hành chính giữa Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về việc sắp xếp bộ máy hành chính, bố trí cán bộ, báo cáo của Chính phủ khái quát, công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đã được triển khai nhanh, gọn, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất. Đến nay, về cơ bản, số lượng cấp phó của các Sở, Ban, Ngành đã giảm dần để từng bước thực hiện theo quy định. Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng, Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Thông tin – Truyền thông khi mới hợp nhất có 5-6 Phó GĐ/Sở đến nay chỉ còn 3 Phó GĐ. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch khi mới hợp nhất có 13 Phó GĐ  đến nay còn 6 Phó GĐ.

Hà Nội cũng được đánh giá đã làm tốt công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ các huyện về các Sở, ngành của thành phố và ngược lại.

Số biên chế hành chính của thành phố trong 5 năm qua có tăng hơn 1.500 người, chủ yếu là do phải tăng số cán bộ, công chức làm công tác quản lý đô thị tại các khu vực ngoại thành đã đô thị hóa (như Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Quản lý thị trường…). Việc tăng này là cần thiết và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ chốt nhận định, thực tế phát triển của Hà Nội trong 5 năm qua đã khẳng định đúng đắn giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

P.Thảo