Hà Nội và TPHCM sẽ phát triển như thế nào thời gian tới?

Thế Kha Anh Thế

(Dân trí) - Hà Nội phấn đấu đến 2025 sẽ phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh. TPHCM nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với TP Thủ Đức.

Thảo luận tại Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã trình bày về những định hướng phát triển của 2 thành phố lớn nhất nước trong giai đoạn tới.

Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh

Ông Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội từ chỗ có chu vi khoảng 6 km, đến nay diện tích là 3.342,92 km²; dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số lượng đảng viên của cả nước và có 2.300 tổ chức cơ sở đảng.

"Nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội không tự mãn, luôn trăn trở về những việc chưa làm được, những yếu kém, khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực"- ông Phong nói.

Theo ông, kinh tế Thủ đô tuy đã có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ nhưng chất lượng và tính bền vững chưa cao. Thành phố cũng chưa khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế trên địa bàn Thủ đô.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn, chưa đạt yêu cầu đề. Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…

Hà Nội vừa được Quốc hội đồng ý về cơ chế thí điểm quản lý hành chính theo mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù.

Hà Nội và TPHCM sẽ phát triển như thế nào thời gian tới? - 1

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Quốc Chính).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

"Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD"- ông Phong nói.

Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra các định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025.

Trong đó sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tăng cường đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ. 

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

"Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững"- ông Phong nhấn mạnh.

Thành phố Thủ Đức sẽ chiếm khoảng 7% GDP cả nước

Tại đại hội, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM phản ánh, thời gian qua TPHCM đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán…

Riêng Khu Công nghệ cao đến nay đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD, năng suất lao động bình quân gấp 20 lần bình quân của thành phố và hơn 60 lần bình quân cả nước, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia mạnh về công nghệ như Intel, Samsung, Nidec…

TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành Chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành Chương trình xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin thành phố.

"Thành phố thông minh không chỉ tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn là một "sản phẩm" thúc đẩy sáng tạo, "số hóa" phát triển công nghệ cao và làm "đầu kéo" cho tăng trưởng nhiều ngành"- ông Phong thông tin.

Hà Nội và TPHCM sẽ phát triển như thế nào thời gian tới? - 2

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Quốc Chính)

Đặc biệt, TPHCM đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

"Trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao"- ông Phong dự báo.