Hà Nội và TPHCM ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các bộ cấp bách hiến kế

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhận định Hà Nội và TPHCM là hai đô thị lớn đang bị ô nhiễm nặng nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu có giải pháp tổng thể, cấp bách, trong đó đề xuất di dời cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng khỏi nội thành.

Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM - hai đô thị lớn đang bị ô nhiễm không khí nặng nhất.

Hà Nội và TPHCM đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh tính cấp thiết và nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đồng thời yêu cầu các cơ quan, địa phương phải nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể, có trách nhiệm rõ ràng và lộ trình cải thiện tình hình trong thời gian sớm nhất.

"Chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ông cho rằng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương, phải được xác định rõ.

Hà Nội và TPHCM ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các bộ cấp bách hiến kế - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM (Ảnh: Minh Khôi).

Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong việc triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các giải pháp, theo lời Phó Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn là vấn đề đã hình thành trong nhiều năm gần đây, tập trung ở 2 khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc (xung quanh vùng Thủ đô Hà Nội) và phía nam (xung quanh khu vực TPHCM).

Thành phần ô nhiễm chủ yếu đã được xác định là bụi đường, bụi PM10 và bụi mịn PM2.5, thường xảy ra vào các tháng mùa Đông - Xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau).

Nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại các đô thị là từ hoạt động giao thông, bao gồm bụi đường, khí thải từ phương tiện giao thông cũ, nát, xe tải chạy dầu DO cũ, xe chở vật liệu xây dựng (đặc biệt tại Hà Nội).

Bên cạnh đó, nguồn gây ô nhiễm còn đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng không che chắn, không có biện pháp ngăn bụi phát tán; hoạt động đốt rác, rơm rạ ngoài trời.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất một số giải pháp cấp bách cần triển khai ngay để cải thiện chất lượng không khí, như tổ giám sát các công trình xây dựng, bắt buộc che chắn bụi, phun nước giảm bụi.

Bộ cũng kiến nghị quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính.

Cùng với đó, cần giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm.

Hà Nội và TPHCM ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các bộ cấp bách hiến kế - 2

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Minh Khôi).

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị tập trung hoàn thiện các chính sách về kiểm soát khí thải, chuyển đổi xanh; phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, thân thiện môi trường; tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí…

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (Bộ Công an), đề nghị khẩn trương đưa vào vận hành, kết nối trực tuyến toàn bộ trạm quan trắc không khí, nhất là tại các thành phố lớn, để giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trước mắt các thành phố lớn cần tập trung xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông, xây dựng, như: Thực hiện kiểm định khí thải xe máy, phun rửa xe chở vật liệu, che chắn công trình xây dựng, thiết lập các khu xử lý phế thải xây dựng tập trung…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đề nghị xây dựng kế hoạch hành động về xử lý ô nhiễm không khí với các mục tiêu cụ thể; ban hành các công cụ kinh tế (thuế, phí) cùng chế tài xử phạt nghiêm ngặt để kiểm soát, giảm nguồn gây ô nhiễm không khí.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết ô nhiễm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn, tại một số thời điểm, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

"Chúng ta cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ô nhiễm không khí, xác định mục tiêu từng năm và cả giai đoạn 5 năm", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng thành phố, nhất là Hà Nội và TPHCM, chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm không khí (giao thông, xây dựng, xử lý rác thải, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp).

Hà Nội và TPHCM ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các bộ cấp bách hiến kế - 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xây dựng kế hoạch quốc gia để giải quyết ô nhiễm (Ảnh: Minh Khôi).

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về xử lý, tái chế phế thải xây dựng.

Bộ cũng được giao rà soát điều kiện, cơ sở pháp lý triển khai kiểm định khí thải xe máy, chế tài xử lý phương tiện không đạt chuẩn; siết chặt giám sát hoạt động của các công trình xây dựng; quy hoạch, bố trí trạm rửa xe trước khi vào thành phố hoặc khu đô thị.

Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao chế tài xử phạt đối với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định, phát tán ô nhiễm ra không khí, trường hợp cần thiết phải xử lý hình sự.

Bộ Công Thương phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp, nhất là tại các cụm công nghiệp trên cả nước để đề xuất phương án di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu vực nội thành, hoặc chuyển đổi công nghệ và có chính sách hỗ trợ.

Bộ Công an được giao chỉ đạo công an địa phương phối hợp quản lý trật tự an toàn giao thông hợp lý, bổ sung thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát giao thông và công an cơ sở giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, xây dựng gây ô nhiễm không khí.