Hà Nội “tuyên chiến” với tệ nhũng nhiễu
Nhũng nhiễu dân, doanh nghiệp nhưng lại né tránh, ngại đưa ra những quyết sách là "căn bệnh" được mổ xẻ tại cuộc họp UBND thành phố Hà Nội ngày 4/8. Theo Bí thư thành uỷ Phạm Quang Nghị, thành phố cần thường xuyên thanh tra công vụ, nếu phát hiện công chức vụ lợi thì sẽ luân chuyển.
Ông Phạm Quang Nghị lấy dẫn chứng, vụ bà Ngô Thị Sửu xin giấy tờ sức khỏe đã bị cơ quan công quyền "om" tới 17 ngày. Sau khi có chỉ đạo thì giải quyết xong trong nửa ngày.
Theo Bí thư thành uỷ, nếu ý thức, trách nhiệm của công chức không cao thì sẽ không thể sửa đổi. Nếu người sau không làm được thì sẽ xử lý mạnh hơn người trước. Bí thư thành ủy cũng yêu cầu Chủ tịch thành phố giao Văn phòng ủy ban thống kê những vấn đề cần phân cấp giữa các Sở và quận, huyện.
Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu đã đưa ra một số dẫn chứng về tệ nhũng nhiễu trong các ngành, được phản ánh qua chỉ số CPI của Phòng thương mại công nghiệp là 73% doanh nghiệp được gợi ý ăn chia với cán bộ thuế, 80% doanh nghiệp phản ánh phải chia nhiều khoản tiền không chính thức để được việc, 76% cán bộ đã sử dụng quy định của ngành để vụ lợi.
Ông Lưu Tiến Định, Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ ra các nguyên nhân tình trạng này là cải cách hành chính chưa được quán triệt sâu, chưa tạo được ý thức trong công chức thủ đô. Hà Nội triển khai khá sớm việc cải cách một cửa song lại thiếu đồng bộ giữa các cơ quan. Ngoài ra, chức năng nhiệm vụ của công chức chưa được tiêu chuẩn hóa, nên chất lượng công chức chưa xác định rõ ràng. "Hằng năm đánh giá công tác của công chức thường xếp loại tốt, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ cao song thực tế không phải vậy", ông Định nói.
Ông Hà Văn Sửu, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, cần phải nhanh chóng phân cấp phê duyệt quy hoạch tới quận, huyện bởi các dự án sẽ bị chậm chạp do "ùn" quy hoạch tại Sở. "Sở Quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt quy hoạch 1/2000, nên giao cho quận huyện phê duyệt quy hoạch 1/500", ông Sửu đề nghị.
Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế liên thông giữa các cơ quan, doanh nghiệp chỉ phải trình dự án một lần. Trách nhiệm luân chuyển hồ sơ thẩm định thuộc về các ngành, chứ không để doanh nghiệp đi làm thủ tục như vào ma trận.
Một lãnh đạo huyện Sóc Sơn phàn nàn về các thủ tục phê duyệt dự án, khi một dự án của huyện này thực hiện có sự tham gia thẩm định của 7 sở, bị chậm tới 3 năm. "Khi thành phố phê duyệt thì các Sở tham mưu có trách nhiệm làm theo quyết định, không cần phải thỏa thuận riêng với các Sở", vị này nói.
Trả lời về vấn đề phân cấp, ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho rằng, thành phố đã có quyết định phân cấp quy hoạch, tuy nhiên, các quận huyện phải có bản đồ phân cấp, để xác định rõ khu vực quận huyện hay thành phố quản lý.
Ông Triệu Đình Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, viện dẫn do khối lượng công việc của Sở quá nhiều, hằng năm phải thẩm định 30 quy hoạch từng quận huyện, chưa kể các quy hoạch phát sinh. Do vậy, thời gian hoàn thành các công việc không được đúng theo quy trình.
Giữa tháng 8, thành phố sẽ thanh tra công vụ 3 đơn vị là UBND quận Thanh Xuân, Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND phường Nghĩa Tân. Thanh tra tập trung tìm hiểu việc chấp hành chính sách, pháp luật và các văn bản quy định của Chính phủ và UBND TP liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị. |
Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân nhận xét, các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, không làm hết trách nhiệm, thiếu phối hợp với nhau nên lòng vòng. "Thành phố cần đổi mới trong chỉ đạo điều hành và nhận thức; các ngành cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nhất là trong lĩnh vực trật tự đô thị, đất đai, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, văn phòng UBND", ông Ân nói.
Theo Đoàn Loan
VnExpress