Hà Nội: Trạm cấp nước sạch “đắp chiếu” 6 năm, dân dài cổ ngóng
(Dân trí) - Công trình Hệ thống cấp nước sạch xã Thượng Cát (nay là phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 55 Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2009); tuy nhiên đến nay vẫn “đắp chiếu”, hàng nghìn hộ dân nơi đây đang phải dài cổ ngóng chờ nguồn nước sạch.
Vì sao nhà máy nước Thượng Cát “đắp chiếu” 6 năm?
Theo tìm hiểu, Dự án xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sạch xã Thượng Cát (gọi tắt là Nhà máy nước Thượng Cát) do Ban Quản lý Dự án huyện Từ Liêm (cũ) nay là quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư, nhằm cung cấp nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân trong vùng. Dự án có tổng số vốn gần 24 tỷ đồng, công suất thiết kế của trạm là 1.800m3/ngày đêm.
Công trình này đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2009), khiến nhân dân trong vùng vui mừng vì sẽ chấm dứt bao thế hệ phải dùng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay công trình này vẫn “đắp chiếu”, không hoạt động.
Để tìm hiểu vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Bắc – Phó chủ tịch UBND phường Thượng Cát. Ông Bắc cho biết, vào khoảng năm 2006-2007, Công ty nước sạch Hà Nội đã về xin huyện Từ Liêm (cũ) khoan 9 cái giếng nước thô (trong đó xã Thượng Cát 1 cái và xã Liêm Mạc 8 cái) để cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước Mai Dịch (Cầu Giấy), nhằm sản xuất nước sạch cho nhân dân trong vùng. Phía Công ty nước sạch Hà Nội có cam kết sẽ cung cấp nguồn nước thô cho cả Nhà máy nước Thượng Cát.
Tin tưởng vào 9 cái giếng nước thô của Công ty nước sạch Hà Nội, huyện Từ Liêm mới triển khai xây dựng Dự án Nhà máy nước sạch Thượng Cát. Đến năm 2009, dự án hoàn thành toàn bộ dây chuyền xử lý nước, bao gồm: Hệ thống cấp nước thô, bể lắng, bể lọc, mạng đường ống…Thế nhưng, suốt 6 năm ròng, công trình này vẫn “đắp chiếu”, các hạng mục như đường ống, van đã hoen gỉ; bể lắng, lọc mọc rêu, cỏ um tùm như công trình bị bỏ hoang. Công ty nước sạch Hà Nội giải thích là do 9 cái giếng thô không đủ áp suất, nên không thể cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước sạch Thượng Cát hoạt động (?!)
“Khi công trình nhà máy nước hoàn thành nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm, tưởng sẽ có nguồn nước sạch thay thế nước giếng khoan đang dùng. Nhưng suốt 6 năm qua, bà con cứ mòn mỏi chờ mãi mà không thấy nhà máy hoạt động. Trong các cuộc họp, bà con cũng hỏi nhiều về vấn đề này, nhưng chúng tôi cũng chỉ biết giải thích là đã kiến nghị lên quận và chờ cấp trên giải quyết” - Ông Vũ Tiến Bắc cho biết.
Bao thế hệ vẫn dùng nước giếng khoan
Được biết, phường Thượng Cát hiện nay có 2.300 hộ với khoảng 10.000 nhân khẩu, đã bao thế hệ từ trước đến nay vẫn phải dùng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo để sinh hoạt. Dự án Nhà máy nước nói trên là công trình nước sạch đầu tiên được xây dựng tại địa phương này, thế nhưng chưa cung cấp được giọt nước sạch nào cho bà con trong vùng, thì đã “chết yểu” suốt 6 năm qua.
Chị Trịnh Thu Hà (35 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Thượng Cát) cho biết: “Tất cả bà con nơi đây từ trước đến giờ vẫn phải liều dùng nguồn nước giếng khoan không an toàn để sinh hoạt, vì không có nguồn nước nào khác thay thế. Chúng tôi cứ bơm nước giếng lên, lọc qua các máy lọc nhỏ mua về là dùng luôn, cũng lo cho tương lai các cháu lắm nhưng biết làm thế nào được. Nhà máy nước Thượng Cát hoàn thành dân chúng tôi phấn khởi lắm, nhiều người tính phá giếng khoan đi để dùng nước sạch, nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ vẫn không thấy hoạt động”.
Cũng giống như chị Hà, gia đình anh Nguyễn Thế Toàn (33 tuổi, ở tổ dân phố 3, phường Thượng Cát) bao thế hệ vẫn phải dùng nước giếng khoan. Anh Toàn cho biết, khi Nhà máy nước Thượng Cát hoàn thành, nhiều hộ dân trong đó có nhà anh đã hồ hởi bỏ tiền ra mua các thiết bị như ống, đồng hồ để dẫn nước sạch vào nhà.
“Nhà mình bỏ ra hơn 1 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ và 1 số thứ khác để dẫn nước sạch vào nhà mà từ đó tới giờ vẫn dài cổ ngóng chờ. Phía nhà máy họ chỉ đầu tư đường ống ở các trục chính, còn từ đó kéo vào là người dân phải chịu, tùy theo nhà ở xa ở gần mà chi phí có khác nhau” – anh Toàn nói.
Ông Vũ Tiến Bắc – Phó chủ tịch UBND phường Thượng Cát thông tin thêm: Sau nhiều lần kiến nghị của bà con nhân dân về nội dung phản ánh trên, cuối năm 2014 đầu năm 2015, quận Bắc Từ Liêm đã quyết định giao Nhà máy nước sạch Thượng Cát cho Công ty nước sạch Hà Nội tiếp quản và vận hành. Ngay khi đồng ý tiếp quản, phía Công ty nước sạch Hà Nội xin chính quyền địa phương khoan thêm 3 giếng nước thô phân bố đều tại 3 xã Thượng Cát, Tây Tựu và Liêm Mạc. Như vậy, đến thời điểm hiện tại xã Thượng Cát đã có 2 giếng nước thô của Công ty nước sạch Hà Nội.
“Giếng thô mới khoan trên địa bàn phường Thượng Cát tôi thấy máy bơm đã chạy rồi, hi vọng thời gian ngắn nữa Nhà máy nước sạch Thượng Cát sẽ đi vào hoạt động, bà con trong vùng sẽ được dùng nguồn nước sạch hợp vệ sinh” – ông Bắc cho biết.
Một số hình ảnh về Nhà máy nước Thượng Cát hoen gỉ, nhếch nhác:
Nguyễn Dương