1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội tăng cường “đê” ngăn dịch cúm gia cầm

(Dân trí) - Làm thế nào để kiểm soát được 300 tấn thịt đổ bộ vào Hà Nội mỗi ngày cũng như phát hiện trường hợp cúm đầu tiền nhanh nhất nếu dịch tái phát… Đó là những vấn đề chính trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Y tế, Trần Thị Trung Chiến với lãnh đạo thành phố vừa diễn ra sáng nay, 11/1.

Nhiều khâu chưa kiểm soát được

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện Hà Nội có hơn 62.000 con trâu, bò, 347.000 con lợn và gần 2,9 triệu con gia cầm. Mỗi ngày Hà nội tiêu thụ từ 280 -300 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó Hà Nội tự cung cấp được 40% nhu cầu  về thịt lợn, 48% nhu cầu thịt gà, 8% nhu cầu về thịt bò, phần còn lại do các địa phương khác cung cấp.

Ông Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Trần Đáng thẳng thắn, một ngày Hà Nội tiêu thụ 280-300 tấn thịt gia súc, gia cầm thì trong đố có bao nhiêu là thịt gà, bao nhiêu thịt gia súc là an toàn? Trong số gia cầm gia súc có đóng dấu thú y, liệu có an toàn không? Theo ông Đáng đây là vấn đề khó trả lời, nhưng đó là cái bản chất vấn đề cần quan tâm trong việc phòng chống dịch.

Nâng cao hiệu quả tiêm phòng là vấn đề được ông Đậu Ngọc Hào, Cục trưởng Cục Thú y đề cập tới. Theo ông, kinh nghiệm cho thấy, sau khi dịch cúm tái phát chúng ta mới phát hiện tỉ lệ gia cầm và thủy cầm tại các tỉnh được tiêm phòng rất hạn chế. Các tỉnh như Đồng Tháp, Hậu Giang vừa qua đã phải xin tăng cường hàng triệu liều vacxim để tiêm bổ sung. Cho dù Hà Nội đã tiêm phòng 73% nhưng ông Hào cho rằng, phải nâng cao hơn nữa tỉ lệ cũng như hiệu quả tiêm phòng.

Cũng theo ông Hào, cơ sở giết mổ gia cầm sạch ở Phúc Thịnh, Đông Anh chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số lượng gia cầm giết mổ. Vậy gia cầm đang được giết mổ ở đâu? Thực tế khi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đi kiểm tra tại chợ Thanh Xuân vừa qua vẫn phát hiện rất nhiều gia cầm sống bày bán tại đây.

Ông Lê Anh Tuấn, GĐ Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, nhiều chợ nhỏ, chợ cóc tại Hà Nội vẫn bán gia cầm sống và giết mổ tại chỗ. Và điều đáng nói nhất theo ông chính là thái độ phòng chống dịch ở cấp cơ sở chưa được tốt. Theo ông Tuấn, một người bán gia cấm sống tại chợ khi được hỏi đã cho biết, không hề được phổ biến về việc cấm chỉ thấy người của chợ thu tiền và cho vào bán.

Không làm theo kiểu “chôn lông gà, vỏ trấu”

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND thành phố tỏ ra lo lắng, nếu dịch tái xuất hiện ở thủ đô. Sẽ có nhiều hoạt động bị ảnh hưởng thậm chí ngưng trệ, tác động không nhỏ tới GDP của thành phố, do đầu tư giảm. Ông Triệu cũng lưu ý rằng, hàng loạt các biện pháp mà các ngành của thành phố đã nêu lên là khá tốt, nhưng đó là trên phương diện lí thuyết.

Ông Triệu đã nhấn mạnh tới chất lượng tiêm văcxin phòng chống dịch. Theo ông phải đề phòng tình huống tiêm không trung thực giống như thiêu hủy gia cầm giả bằng cách chôn lông gà và vỏ trấu đã xảy ra trong thực tiễn. “Tiêm vacxim chỉ hiệu quả 60-70%, chất lượng tiêm không trung thực nữa thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Triệu nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định thành phố bảo đảm đầu tư cho mua văcxin, tiêm phòng, cho kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ, qui hoạch giết mổ cũng như những hoạt động khoanh ổ dịch nếu xảy ra. Ông lưu ý sở Tài chính không để những gì cứng nhắc trong việc xuất tiền có thể ảnh hưởng tới chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Ý tế, Trịnh Quân Huấn cũng cho rằng, nếu dịch xảy ra ở Hà Nội sẽ là một vấn đề lớn. Theo ông nguy cơ dịch của Hà Nội chủ yếu từ bên ngoài nên giám sát kiểm tra nguồn lương thực từ bên ngoài vào cần phải được làm chặt chẽ hơn nữa. Ông Huấn cũng đề cao giải pháp mà thành phố đã làm, đó là kí kết với các cơ sở cung cấp thịt gia cầm bên ngoài bảo đảm nguồn gốc gia cầm.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu lên rằng, Hà Nội cần thực hiện việc kiểm tra liên ngành mỗi tuần một lần, Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện giao ban hàng tuần với Hà Nội. “Cần giám sát sớm, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên nếu dịch tái xuất hiện”, ông Huấn nhận mạnh.

Cấn Cường - Hồng Hải