Hà Nội: "Số phận" bức phù điêu ở dãy nhà Pháp cổ sẽ được định đoạt thế nào?
(Dân trí) - Chỉ đến khi báo chí phản ánh, dư luận xã hội xôn xao thì các Sở ngành ở Hà Nội mới vào cuộc đánh giá giá trị bức phù điêu đắp nổi trên bức tường của dãy công trình Pháp cổ ở quận Ba Đình.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở này vừa có buổi làm việc với UBND quận Ba Đình và các cơ quan liên quan để quyết định "số phận" bức phù điêu Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ trên bức tường của dãy công trình Pháp cổ ở khu đất số 61 Trần Phú.
"Sở đã chỉ đạo và cán bộ đã làm việc trực tiếp với quận Ba Đình. Tới đây, quận sẽ có báo cáo ban đầu về vấn đề này lên Sở Văn hóa và Thể thao" - vị lãnh đạo này cho hay.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị Bưu điện, đã có báo cáo gửi UBND quận Ba Đình liên quan đến việc phối hợp bảo vệ bức phù điêu ghi dấu sự kiện ngày 19-5-1967 ở công trình tòa nhà Pháp cổ là trụ sở của công ty này tại địa chỉ 61 Trần Phú.
Theo đó, ông Hùng khẳng định công ty (tiền thân là Nhà máy thiết bị bưu điện) đã có nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp lửa trong chiến thắng 19-5-1967 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.
Qua rà soát, ông Hùng cho hay, bức phù điêu không thuộc danh mục các công trình được quản lý, bảo vệ theo quyết định của UBND TP Hà Nội và nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2013. Tuy nhiên, nhận thấy bức phù điêu có giá trị lịch sử nên công ty "có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, có phương án di chuyển (nếu cần), bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của UBND quận Ba Đình".
Bên cạnh đó, chỉ đến khi báo chí phản ánh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới nắm được thông tin trên bức tường công trình phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có bức phù điêu "Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ".
Do đó, trong quá trình Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc phần nổi Công trình đa chức năng Postef theo yêu cầu thì Sở này đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức xem xét, đánh giá giá trị bức phù điêu để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết (có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên dự án).
Theo ghi nhận của PV Dân trí, bức phù điêu trên bức tường mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Thông tin trên bức phù điêu thể hiện, chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1967.
Như đã phản ánh, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ký quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án Công trình đa chức năng Postef với tổng vốn và nguồn đầu tư khoảng hơn 1.574 tỷ đồng. Theo phương án thiết kế, Công trình đa chức năng Postef thay thế dãy nhà xưởng Pháp cổ ở Ba Đình gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm, kèm các công trình phụ trợ (chiều cao tối đa 42,9m).
Mới đây, dư luận xôn xao khi hay tin các công trình cao tầng có kiến trúc kiểu Pháp (xây dựng vào năm 1925) ở khu đất 61 phố Trần Phú bị phá dỡ để thi công dự án.
Ngay sau đó, Hà Nội đã lập tức có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai dự án này; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có) đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công xây dựng…