1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội sẽ kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội

(Dân trí) - Trên cơ sở bộ tiêu chí của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, TP Hà Nội sẽ cân nhắc nới lỏng một phần giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa có điều kiện khôi phục sản xuất.

Ngày 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP. Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm. Phát biểu tại đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, kết quả của cuộc làm việc với Thủ tướng có ý nghĩa lớn khi Hà Nội sẽ có định hướng để bàn quyết sách cụ thể phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Đối với việc phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, Hà Nội là một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao (xâm nhập từ bên ngoài, lây nhiễm từ bên trong với các ổ dịch phức tạp như Trúc Bạch, Bạch Mai, Mê Linh). Tuy nhiên, Thành uỷ Hà Nội và cả hệ thống chính trị đều quán triệt, chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng là mệnh lệnh và phải thực hiện nghiêm.

Theo đó, Hà Nội có Ban chỉ đạo từ TP đến các quận, huyện, đều thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch. Do đó, đến nay Hà Nội đã có kết quả bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan. Bảo vệ được Hà Nội cũng là góp phần thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Hà Nội sẽ kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội - 1

Thủ tướng làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 

Sắp tới đây, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác để có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định. “Hà Nội xin hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này”, Bí thư Hà Nội bày tỏ.

Đối với công tác Đại hội Đảng các cấp, hiện Đảng bộ Hà Nội có gần nửa triệu đảng viên và chiếm gần 10% của cả nước với 50 tổ chức đảng trực thuộc và 30 quận, huyện. Đến nay, tại Hà Nội, đại hội cấp chi bộ về cơ bản đã xong (1.750 chi bộ) và chỉ còn một số chi bộ của các trường đại học, cao đẳng (130 trường) do vẫn đang nghỉ phòng dịch nên chưa tiến hành Đại hội được.

Việc chuẩn bị văn kiện, nhân sự Đại hội, Hà Nội đã chuẩn bị tốt và đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, trong khi dịch Hà Nội vẫn duy trì hoạt động bình thường của hệ thống chính trị và tăng cường đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Về phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,72%. Đây là cố gắng lớn của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội bằng nhiều biện pháp. Hiện, Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để phục hồi sau dịch kết thúc theo mô hình chữ V và đang tập trung thực hiện theo hướng này. Hà Nội đang cố gắng phấn đấu tăng trưởng đạt cao gấp 1,3 lần so với cả nước tuỳ theo từng kịch bản mà chúng ta xây dựng.

Trong thời gian vừa rồi, về nông nghiệp, Thành ủy Hà Nội giao cho UBND TP phấn đấu tăng trưởng 4,04%. Mặc dù chưa có năm nào tăng trưởng nông nghiệp của TP vượt qua 2,5% nhưng UBND TP rất quyết tâm, thậm chí đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển để nông nghiệp tăng cường ở mức cao hơn nhiệm vụ được giao là 4,62%.

Một số huyện của TP cũng đang phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp từ 5-6%. Tới đây, TP sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT để giúp cho Hà Nội đạt được việc này vì nông nghiệp và “tam nông” vẫn là bệ đỡ.

Về đầu tư công, tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là “góp gió thành bão”. Nghĩa là thúc đẩy triển khai, tăng tiến độ của tất cả các công trình từ nhà của tư nhân, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Đặc biệt là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến TP.

Cùng với tháo gỡ chung của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, Hà Nội tin tưởng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Sắp tới, TP sẽ làm việc tiếp với Bộ KH&ĐT và vừa rồi đã làm việc với Bộ GTVT triển khai công trình trọng điểm. Dự kiến tháng 9/2020, TP sẽ khánh thành đường trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Hiện, TP đang kiến nghị với Bộ GTVT cho làm nốt 2 cầu cạn tiếp nối.

Hà Nội sẽ tập trung vào lĩnh vực có cơ hội, tiềm năng như sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng, hoá chất. Về thương mại nội địa, TP cũng sẽ tăng cường lĩnh vực này lên, học tập kinh nghiệm nhiều nước. Thành phố cũng đã chỉ ngành công thương phải tổ chức bán hàng ở thôn quê và phải thiết lập các quầy bán hàng, tiêu thụ nhiều lên.

Về giải quyết các vấn đề bức xúc, hiện TP đã tập trung giải quyết 10 vụ việc nổi cộm trên địa bàn. Sau hội nghị này, TP sẽ tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành cụ thể triển khai kết luận của Thủ tướng, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn rất cụ thể. Đồng thời, TP sẽ đánh giá để có một chương trình tái thiết kinh tế trong trường hợp khủng hoảng để góp phần chung vào việc phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu và chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 16 và góp phần vào thành công chung của cả nước.

TP Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19:

Kịch bản 1: Đến 22/4 hoặc 3/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.

Kịch bản 3: Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Quang Phong