Tỉnh thành cả nước đồng loạt điều chỉnh theo "cách ly xã hội giai đoạn 2"
(Dân trí) - Các tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra thông báo về biện pháp "cách ly xã hội" cụ thể áp dụng tại địa phương mình sau khi Thủ tướng thống nhất các giải pháp cho giai đoạn tới...
Ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.
Thủ tướng nêu rõ sẽ có Chỉ thị mới để triển khai các chủ trương, biện pháp cụ thể. Hướng điều hành, chỉ đạo, theo Thủ tướng, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó từ đêm qua đến hôm nay (16/4), các tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra thông báo về biện pháp "cách ly xã hội" cụ thể áp dụng tại địa phương mình.
Cửa hàng ăn uống được mở cửa bán cho khách mang về
Tối 15/4, UBND TP Đà Nẵng có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/4/2020 theo hình thức bán trực tuyến (bán online) và bán cho khách mang về, thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được yêu cầu tuyệt đối không phục vụ tại chỗ.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch. Cơ sở nào không thực hiện sẽ phải đóng cửa.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, buông lỏng, không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố.
Sáng 16/4, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các lĩnh vực tiếp tục tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4 là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú; di tích, bảo tàng, công viên, thắng cảnh, địa điểm tham quan; taxi và giao thông công cộng nội tỉnh; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cắm trại, tắm biển tại các địa điểm công cộng.
Riêng các nhà hàng ăn uống không được phục vụ tại chỗ nhưng được phép hoạt động bán hàng online, đặt hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tận nhà. Các chủ cơ sở chịu trách nhiệm quản lý các người giao hàng tận nhà (shipper) về tình trạng dịch tễ và vệ sinh y tế.
Huế cũng vận động, khuyến khích tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ tiệc theo nghi lễ truyền thống tại nhà, không tập trung đông người.
Hãng taxi được hoạt động nửa công suất
Tối ngày 15/4, TP Hải Phòng ban hành văn bản hỏa tốc về chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Theo đó yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố đến hết ngày 22/4.
Từ 0h ngày 16/4, tạm dừng hoạt động của tổ kiểm soát phòng chống Covid-19 ở thôn, tổ dân phố và các chốt kiểm soát phòng chống dịch cấp xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến khi có chỉ đạo của UBND thành phố.
Về hoạt động giao thông vận tải, cho phép các bến phà, bến đò kết nối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động từ 6h đến 8h và từ 16h đến 18h hàng ngày.
Cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố và số người trên xe chỉ được dưới 50% số ghế.
Đối với người ra vào thành phố, cho phép người trước khi về Hải Phòng mà không phải từ 12 địa phương nhóm nguy cơ cao được vào thành phố và không phải cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bố trí tối đa 50% số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan làm việc; phần còn lại làm việc tại nhà. Đồng thời, đối với việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của công dân, triển khai tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với các trường hợp không thể thực hiện qua giao dịch điện tử.
Bán hàng ăn uống tại chỗ cho khách nội tỉnh
Theo chỉ thị mới của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, những hoạt động được phép mở cửa trên địa bàn tỉnh là các cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu của người dân; Cơ sở dịch vụ ăn uống, nước giải khát, hàng quán, địa điểm tham quan, du lịch (phục vụ khách nội tỉnh); Các hàng quán vỉa hè, hàng rong (chỉ được bán mang về); Các hoạt động thể dục, thể thao.
Riêng đối với khách du lịch ngoài tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch tỉnh sẽ cho ý kiến sau ngày 25/4.
Trong hoạt động vận chuyển hành khách, đối với phương tiện đăng ký trên 7 chỗ ngồi chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ ngồi theo đăng ký và bố trí ngồi giãn cách giữa các ghế; Các loại hình vận tải hàng hóa vẫn hoạt động bình thường.
"Đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp, hộ gia đình, khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch thì người đứng đầu, chủ các cơ sở, doanh nghiệp và hộ gia đình và cá nhân vi phạm phải bị xử lý theo quy định", Chủ tịch Cà Mau chỉ thị rõ.
Cần Thơ được xếp vào nhóm 15 tỉnh, thành có nguy cơ vừa. Tối 15/4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký công văn gửi giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP về việc tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới.
Tối 15/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4/2020.
Thanh Hóa nằm trong nhóm tỉnh có nguy cơ vừa. Ngoài những biện pháp cách ly xã hội như Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh này quyết định học sinh các cấp tiếp tục nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4; Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đi làm bình thường từ ngày 16/4/2020 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại công sở.
Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên bộ dài và kết nối với một số tỉnh thuộc nhóm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, do đó, dù thuộc nhóm nguy cơ thấp, UBND tỉnh vẫn yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong ngày đầu “nới lỏng” cách ly xã hội, đường phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã có chiều hướng đông đúc trở lại.
Cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát bắt đầu phục hồi việc mua bán. Ngoài một số quá cà phê, nhà hàng còn đóng cửa hoặc chỉ bán online hay cho khách mang về, thì nhiều quán đã có khá đông khách.
Tại Đồng Tháp, ngày 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương ký văn bản gửi các ban ngành đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện thị, thành phố tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tập trung ngăn chặn nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; Yêu cầu mọi người dân tiếp tục ở nhà, chỉ ra đường khi rất cần thiết; Các địa điểm du lịch, tham quan, tôn giáo… tiếp tục không đón khách. Tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiếp tục ngưng phục vụ. Thời gian thực hiện đến 22/4.
Ngoài ra, Chủ tịch Đồng Tháp và nhiều tỉnh miền Tây còn chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương thực hiện các chính sách cho người dân gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó do dịch bệnh.
Sáng 16/4, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết nơi đây vừa có văn bản về việc phê bình một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó chỉ đạo phê bình Chủ tịch UBND các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh, Tháp Mười; TP Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các địa phương này tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân chưa làm hết trách nhiệm, báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý kỷ luật cho UBND tỉnh vào ngày 17/4.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, An Giang, ngoài quy định chung theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, An Giang chỉ đạo rõ cấm cán bộ tụ tập; các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải lập chốt tiến hành đo thân nhiệt và buộc người dân đeo khẩu trang khi vào chợ.
Kiên Giang cấm các tàu chở du khách ra các đảo của Kiên Giang, kể cả huyện đảo Phú Quốc; chỉ cho các tàu chở hàng hóa, nhu yếu phẩm hoạt động.
Các tỉnh tiếp tục chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác siết chặt quản lý đường biên giới 24/24h.
Ngày 15/4, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù tỉnh này nằm trong nhóm có nguy cơ thấp.
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu), dịch vụ vui chơi giải trí tiếp tục đóng cửa; người dân không tụ tập quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng; giữ khoảng cách khi giao tiếp theo quy định; yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thực sự cần thiết… cho đến khi có chỉ đạo mới.
Tại cuộc họp thống nhất các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 15/4, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã thống nhất việc Thái Bình vẫn sẽ duy trì hoạt động của tổ công tác liên ngành tại 7 chốt kiểm soát dịch bệnh nhằm kiểm soát chặt chẽ người từ vùng có dịch về, nhất là người ở các địa phương có dịch.
Giao Công an tỉnh chỉ đạo hoạt động của tổ công tác liên ngành tại các chốt kiểm dịch. Các tổ tuần tra của các huyện, thành phố và tổ tự quản tại xã, phường, thị trấn tiếp tục hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ người ra, vào trên địa bàn.
Ninh Thuận vẫn tiếp tục dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không cần thiết.
Riêng đối với các khách sạn, Ninh Thuận cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ cho du khách đang lưu trú. Các cơ sở lưu trú cho phép hoạt động các cơ sở đăng ký phục vụ cách ly y tế tập trung; các cơ sở còn lại chỉ được đón khách đi công tác công vụ, các chuyên gia và lao động làm việc tại các dự án trên địa bàn tỉnh khi có ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh; các cơ sở đang còn khách du lịch lưu trú thì tiếp tục phục vụ đến khi khách trả phòng, không tiếp tục đón khách du lịch mới.
Xe buýt được hoạt động trong phạm vi nội tỉnh, xe khách không bố trí tuyến đến các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, đưa đón chuyên gia và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu cần thiết.
Ngoài ra, Ninh Thuận tiếp tục duy trì hoạt động 4 Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến quốc lộ ra vào địa bàn tỉnh và 1 chốt tại Ga Tàu lửa Tháp Chàm.
Các trường hợp cán bộ, người dân Ninh Thuận đi làm việc thường xuyên tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa và quay trở về trong ngày thì phải đăng ký với các chốt để thuận tiện cho việc theo dõi sức khỏe và di chuyển hàng ngày.
Nhóm phóng viên