Hà Nội sắp lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Thành ủy

Hà Mỹ

(Dân trí) - Thành ủy Hà Nội dự kiến tổ chức một hội nghị vào cuối tháng 12 để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Kiểm tra kỷ cương, kỷ luật của 10 tổ chức Đảng

Tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội chiều 23/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tính đến ngày 23/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức được 4 hội nghị Thành ủy định kỳ, trong tổng số 5 nội dung được đề ra từ đầu năm.

Còn một nội dung về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96 của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã có kế hoạch.

Cụ thể, đơn vị thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 12, để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ: Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. 

Hà Nội sắp lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Thành ủy - 1

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Hải).

Trình bày tờ trình về ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết trong năm 2024, đơn vị sẽ thực hiện 2 cuộc giám sát và một cuộc kiểm tra chuyên đề. 

Cụ thể, cơ quan này sẽ giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy, trọng tâm là công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố gắn với nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. 

Đối tượng giám sát là 5 ban thường vụ quận, huyện, thị ủy; đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được giám sát.

Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội sẽ giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân thủ đô giai đoạn 2021-2025. 

Đối tượng giám sát gồm 6 tổ chức Đảng gồm một số ban thường vụ quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; Đảng ủy và tập thể lãnh đạo một số sở, ngành thành phố, đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được giám sát.

Hai cuộc giám sát trên được thực hiện vào quý I/2024. 

Trong quý II/2024, Thành ủy Hà Nội sẽ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố.  

Đối tượng kiểm tra là 10 tổ chức Đảng và đảng viên là người đứng đầu tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị được kiểm tra.

Hà Nội đặt mục tiêu tăng GRDP lên 6,5-7%

Báo cáo tại hội nghị, bên cạnh kết quả đạt được trong năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhìn nhận các đơn vị còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ; chỉ số PCI giảm 10 bậc, PAPI giảm 3 bậc so với năm trước.

Cùng với đó, tình trạng thiếu nước sạch tại một số địa phương, khu vực; úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên. Tình trạng cháy nổ trên địa bàn còn nhiều nguy cơ, đã xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của....

Hà Nội sắp lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Thành ủy - 2

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố năm 2023 (Ảnh: Thanh Hải).

Hà Nội đặt nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, thành phố ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh... 

Trong năm tới, thành phố dự kiến 24 chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu, trong đó GRDP tăng 6,5-7%, CPI dưới 4%, GRDP khoảng 160-162 triệu đồng/người; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giảm 300-400 số hộ nghèo...

Từ các chỉ tiêu trên, Hà Nội đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 gồm: Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.

Hà Nội cũng có kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS…

Đáng lưu ý, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065;

Tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được duyệt.