1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: “Quan” xã “bán” đất công

(Dân trí) - Theo tố cáo của người dân, đến thời điểm này có ít nhất hơn 2000m2 đất công của xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) bị người dân san lấp, xây nhà (có nhà còn được xác nhận của chính quyền để cấp sổ đỏ). Đáng nói hơn, chính quyền cơ sở tại địa phương đang “nhắm mắt làm ngơ”.

Từ việc lấp ao HTX xây nhà…

Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng tại thôn Đoài cũng đã có gần 10 hộ dân lấn chiếm đất công xây nhà. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Tiến H. tự ý lấp ao của HTX để xây dựng nhà kiên cố; ông Đỗ Quảng C. lấn chiếm khoảng 300 - 500m2 đất và cho xây dựng nhà cấp 4.

Nhà ông Hạ Công V. cũng đang được xây dựng trên phần đất lấn chiếm. Theo phản ánh của người dân thì chính quyền xã Nam Hồng đã thu của gia đình ông V. 72 triệu đồng và cho xây.

Đáng nói là trường hợp cùa bà Vũ Thị Kim Nh.. Sau khi mua lại mảnh đất của gia đình ông Ngô Trung Hậu (được hình thành từ việc lấp ao công) bà Nh. đã được UBND xã Nam Hồng xác nhận để được cấp sổ đỏ trên diện tích khoảng 280m2 trị giá hàng tỷ đồng...

Không thể làm ngơ trước những “phi vụ” động trời trên, một số người dân trong xã đã nhiều lần gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng sự việc đến thời điểm này vẫn chưa bị “khui” ra…

… Đến cấp đất giãn dân bừa bãi

Ngoài việc “bật đèn xanh” cho lấn chiếm đất công, UBND xã Nam Hồng còn cấp đất giãn dân cho khoảng 20 hộ gia đình (chủ yếu là giáo viên) nhưng không đúng đối tượng. Đặc biệt nghiêm trọng, xã này còn thoả thuận với một hộ gia đình về chuyện đổi chác đất công.

Qua tìm hiểu năm 1994 xã Nam Hồng có chủ trương cấp đất giãn dân cho những đối tượng gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Một việc làm có nhiều ý nghĩa, nhưng khi thực hiện xã Nam Hồng đã tỏ ra rất tuỳ tiện.

Cụ thể, lãnh đạo xã Nam Hồng lấy khoảng 100m2 đất của gia đình anh Nguyễn Hồng Tiến cấp cho người khác. Theo trình bày của anh Tiến thì mảnh đất hơn 400m2 nhà anh đã được chuyển nhượng từ năm 1974 có giấy tờ mua bán và xác nhận của chính quyền.

Tuy nhiên trong qua trình cấp đất giãn dân, không hiểu vì lý do gì chính quyền xã Nam Hồng đã cắt khoảng 100m2 đất nhà anh Tiến giao cho anh Đỉnh mà không có 1 lời thông báo. Chỉ đến khi anh Đỉnh tiến hành xây dựng mọi việc mới được vỡ ra.

Điều đáng buồn cười là sau khi lấy đất nhà anh Tiến giao cho anh Đỉnh nhưng hàng năm anh Tiến vẫn phải đóng thuế đất theo diện tích đất chuyển nhượng ban đầu. Có nghĩa là anh Tiến đã mất đất lại còn phải làm nghĩa vụ nộp thuế đất luôn cho nhà anh Đỉnh.

Anh Tiến cho biết đã nhiều lần “kêu” lên các cơ quan chức năng, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Cùng nỗi khổ như anh Tiến, gia đình bà Phạm Thị Bản ở thôn Đìa cũng trở thành nạn nhân của chính quyền xã Nam Hồng vì những việc làm hết sức tuỳ tiện. Năm 1994 nhà bà Bản được UBND xã Nam Hồng giao quyền sử dụng 1 mảnh đất có diện tích 189m2 và phải có nghĩa vụ nộp thuế trong quá trình sử dụng.

Nhưng đến ngày 17/2/2005 mảnh đất này của bà Bản đã bị hộ liền kề là bà Lê Thị Hạnh ngang nhiên đập phá tường trước sự chứng kiến của chính quyền xã. Bà Bản cho biết, đã kiến nghị với ông Tạ Xuân Hoà, Chủ tịch xã Nam Hồng thì nhận được câu trả lời “nếu không đồng ý cho họ lấy đất thì UBND sẽ mời lên họp mỗi tuần một lần...”.

Thanh tra huyện không biết?!

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chánh Thanh tra nhà nước huyện Đông Anh cho biết “cũng nghe phong thanh tình hình lộn xộn về chuyện đất đai ở xã Nam Hồng. Thanh tra đã xuống làm việc với chính quyền xã về 1 số vụ việc liên quan đến đất công (nêu trên) nhưng quan điểm của huyện là chờ xã Nam Hồng báo cáo giải trình, sau đó mới tiếp tục kiểm tra cụ thể.

Theo ông Dũng đối với trường hợp đất của ông Nguyễn Hồng Tiến, về nguồn gốc đất không rõ ràng nhưng theo quy định vẫn hợp pháp. Còn với nhà bà Phạm Thị Bản “thì hình như nhà bà Bản với chính quyền xã đã có sự thoả thuận để bà Bản đổi đất cho bà Hạnh, sau đó xã sẽ cấp cho bà Bản một diện tích đất tương tự tại ao của làng”.

Ông Dũng nhấn mạnh “đây là việc làm hết sức tuỳ tiện của xã Nam Hồng, việc chính quyền xã Nam Hồng cấp đất giãn dân “oan” cho nhiều hộ gia đình thì bây giờ Thanh tra huyện mới nghe thấy”.

Còn những vấn đề mà UBND xã Nam Hồng để cho các hộ dân biến đất công thành đất tư rồi xác nhận cấp sổ đỏ để mua đi bán lại thì sau khi nhận được phản ánh chúng tôi sẽ báo cáo lên Chủ tịch huyện xin ý kiến chỉ đạo. Trước mắt sẽ cử ngay thanh tra xây dựng xuống hiện trường xem xét sau đó sẽ trả lời cơ quan ngôn luận.

Nhưng theo điều tra của PV, những hộ gia đình thuộc diện được cấp đất giãn dân từ năm 1994 hầu hết đã xây dựng kiên cố. Những việc làm “tày trời” như vậy lẽ nào thanh tra huyện giờ mới biết?.

Để tìm hiểu rõ những kiến nghị của người dân, Dân trí đã về xã Nam Hồng liên hệ làm việc nhưng không được sự hợp tác từ phía chính quyền. Còn ông Dũng thì khẳng định toàn bộ những vấn đề trao đổi với Dân trí sẽ được báo cáo lên Chủ tịch huyện để xin ý kiến giải quyết.

Tuấn Hợp