1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội: Quá “khát” sân tennis

(Dân trí) - Khi chúng tôi thử “dò hỏi” người phụ nữ quản lí tại khu sân quần vợt ở Nhà thi đấu Cầu Giấy, chị này hờ hững chỉ vào tấm bảng ghi giờ trống treo trên tường. Cả ba sân ở đây chỉ còn thừa ra vài quãng thời gian tương ứng với giờ làm việc hành chính của các cơ quan.

Chị quản lí sân cho biết, các giờ này chỉ có mức thuê 20 - 30 ngàn đồng một tiếng, ai thuê đều rất khuyến khích.

 

Hỏi thử giờ “vip” (từ 17-19h), chị trả lời dứt điểm: không thể nào có được. Chuyển sang các giờ "ít vip” hơn, từ 19h đến 22h chị cho biết, rất hiếm cơ hội: chỉ thỉnh thoảng có một người thôi hợp đồng, nhưng đã có rất nhiều người phục từ nhiều tháng sẵn sàng “gối” vào. Chưa kể, có những người chuẩn bị thôi hợp đồng đã tìm bạn bè để “sang tên”.

 

Giá thuê sân không phải là vấn đề của những người có nhu cầu tìm sân. Phổ biến hiện nay là 70 ngàn/ tiếng kể từ khi có ánh đèn sân bật lên (17h) cho đến 22h đêm, từ 5-7h sáng giá 50 ngàn đồng/tiếng, trong khi giá các giờ hành chính chỉ là 20-30ngàn đồng/tiếng.

Anh Quang Hải làm việc trong ngành địa chính thành phố cho biết, từ tháng 11 năm trước, các “đoàn thể” của cơ quan anh được huy động đi tìm sân. Suốt mấy tháng trời cả cơ quan lần mò, hỏi han biết bao lần cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thậm chí, giải pháp trả cao hơn giá hiện hành được đưa ra cũng không khiến chủ sân nào tỏ thái độ… mặn mà.

 

Mãi đến đầu tháng 3 vừa rồi, một người trong cơ quan anh Hải phải nhờ cậy tới người quen chuyên thiết kế sân ra tay "can thiệp" mới mang được “niềm vui” về cho cơ quan. Tuy phải di chuyển cách cơ quan tới ngót chục cây số và chơi vào thời gian mọi người đang xem thời sự, nhưng đó vẫn được coi là một thắng lợi.

 

Anh Hải cho biết, hai buổi vẫn là chưa đủ cho nhu cầu của cả cơ quan nên các nhân viên trong cơ quan vẫn được phân công tiếp tục nghe ngóng để tìm thêm một ca vào buổi sáng cuối tuần. “Chỉ hai tiếng, nhưng tất cả đều ngầm hiểu đó là nhiệm vụ “dài lâu”, anh Hải tâm sự”.

 

Anh Lê Kim Hưng, quản lí khu sân ĐH Thuỷ Lợi (gồm 3 sân chơi) cho biết, cách đây khoảng hơn một năm anh thường chịu khó ghi lại tên, địa chỉ của những người đến đăng kí để tiện liên hệ khi có người từ bỏ hợp đồng thuê sân. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay anh không còn làm điều này nữa vì viết mãi mỏi tay, trong khi cả ba sân của anh không lúc nào “hở” ra được.

 

Anh Hưng cho biết thêm, hiện có một số khách hàng phải chọn giải pháp len chân dần tại sân của anh. Bắt đầu tiếp cận sân vào những giờ không đẹp, hễ khi nào có giờ trống đẹp hơn thì chuyển hợp đồng. Sự chờ đợi được xác định là dai dẳng, nhưng vẫn còn hơn “chạy nhông” tìm kiếm.

 

Thực tế, phong trào quần vợt, nhất là tại các cơ quan phát triển quá nhanh trong khi khu vực nội thành dường như không còn “cựa” được nữa. Chỉ còn rất ít khả năng cho sự ra đời của các sân quần vợt ở các quận trong khu vực này.

 

Theo anh Hưng, trước đây người chơi còn đôi chút kén cá chọn canh về địa điểm hay thậm chí là độ “uy tín” của sân, nhưng giờ đây người chơi “chộp” được một ca trống đã là may mắn. Vì thế, hiện anh Hưng đang tính toán để thầu thêm một sân nữa tại khu vực Yên Hoà. Theo anh, nếu anh nhận sân này, chỉ cần quảng cáo vài hôm là các giờ vip và cả các giờ buổi tối sẽ lại hết veo…

 

Những người quản lí sân đều cho rằng, với sự khan hiếm sân như hiện tại, những người có nhu cầu chơi môn thể thao quí tộc hoặc phải chấp nhận đi xa hoặc phải “trì hoãn” thực hiện sở thích của mình đến một dịp… vô định ở phía trước.

 

Kim Tân - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm