1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội nói gì về việc Nhật Cường mobile bị khám xét?

(Dân trí) - Ông Trần Xuân Hà - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc Nhật Cường mobile bị khám xét không làm ảnh hưởng đến hệ thống thông tin của TP Hà Nội (do Nhật Cường software xây dựng).

Chiều ngày 14/5, tại buổi giao ban báo chí, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận được đề nghị làm rõ câu hỏi khi Nhật Cường mobile bị lực lượng công an khám xét thì hệ thống phầm mềm dịch vụ công (do Nhật Cường software) của TP Hà Nội có bị ảnh hưởng hay không?

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Xuân Hà - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, vừa qua có lực lượng của Bộ Công an khám xét công ty Nhật Cường mobile. “Tôi nghĩ đây là hoạt động bình thường của lực lượng công an chứ không phải là vấn đề gì”, ông Hà nói và đề nghị báo chí đưa thông tin theo kết luận của lực lượng chức năng.

Ông Hà cũng nhắc lại câu hỏi của báo chí về việc hệ thống thông tin trực tuyến của TP Hà Nội có ảnh hưởng gì không khi Nhật Cường mobile bị khám xét? “Tôi được biết là toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường”, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay.

Hà Nội nói gì về việc Nhật Cường mobile bị khám xét? - 1

Một cửa hàng Nhật Cường đóng cửa vào trưa ngày 9/5.

Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Công ty Nhật Cường mobile bắt đầu tham gia viết phần mềm dịch vụ công cho TP Hà Nội từ năm 2016. Thời điểm đó, công ty này thành lập Nhật Cường software chuyên viết phầm mềm, không liên quan đến mảng bán điện thoại.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Nhật Cường software đã hoàn thiện được 1.047/1.832 dịch vụ công trực tuyến cho TP Hà Nội. Dự kiến trong năm 2019, toàn bộ 1.832 dịch vụ công trực tuyến sẽ được hoàn thiện 100%.

TP Hà Nội vận hành hệ thống theo hướng xong đến đâu chạy đến đó. Do vậy, dịch vụ công của TP Hà Nội dù chưa hoàn thiện nhưng đã liên thông từ TP đến 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã phường. 

Khi Nhật Cường software hoàn thiện toàn bộ hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sẽ có hội đồng (chuyên gia các bộ ngành và trường đại học) kiểm định sản phẩm. Đến khi hết thời gian chạy thử, hệ thống chạy trơn tru, TP Hà Nội mới quyết định có thuê phần mềm dịch vụ công này hay không.

Sau khi Nhật Cường viết xong phần mềm, công ty này xây dựng đơn giá, TP Hà Nội lập hội đồng thẩm định giá tính toán cụ thể phần tiền thuê phầm mềm dịch vụ công trong thời gian nhất định. Thời điểm TP Hà Nội “đặt hàng” Nhật Cường software viết phầm mềm dịch vụ công là căn cứ theo Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.

Nhật Cường software là đơn vị viết phầm mềm dịch vụ công, còn hệ thống server TP Hà Nội thuê của Viettel, hệ thống đường truyền Hà Nội thuê của 5 doanh nghiệp khác nhau như FPT, Mobiphone, Viettel… Thiết bị đầu cuối phục vụ vận hành hệ thống, TP Hà Nội tiến hành đấu thầu tập trung.

Trưa ngày 9/5, nhiều cảnh sát thuộc các lực lượng của Bộ Công an đã khám xét cửa hàng điện thoại Nhật Cường mobile tại địa chỉ 33 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Nhiều cửa hàng của Nhật Cường mobile trên địa bàn TP Hà Nội cũng đóng cửa. Cùng ngày, cảnh sát cũng có mặt tại chung cư Golden Westlake, nơi được cho là nơi ở của lãnh đạo Công ty Nhật Cường.

Việc lực lượng công an khám xét cửa hàng điện thoại của Nhật Cường mobile khiến nhiều người lo ngại có tác động nhất định đến Nhật Cường software – đơn vị đang viết phầm mềm dịch vụ công cho TP Hà Nội.

Quang Phong