1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội nợ đọng xây dựng cơ bản 3.200 tỷ đồng

(Dân trí) - Dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng số tiền nợ xây dựng cơ bản vẫn tăng hàng năm. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh lo ngại, coi đây là vấn đề nóng, phải tìm đơn vị, cá nhân sai phạm để xử lý.

Báo cáo trước HĐND Hà Nội về tình trạng nợ xây dựng cơ bản ngày 5/12, ông Ngô Văn Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - cho biết, tính đến 30/6/2013, thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản vượt kế hoạch chưa được thanh toán, gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với khối lượng cần phải thanh toán số vốn là 2.198 tỷ đồng, các dự án tiếp tục triển khai trong kỳ kế hoạch tiếp theo với số vối gần 1.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý trả lời chất vấn

“Tại sao thành phố đã chỉ đạo, cảnh báo nhiều lần nhưng số nợ xây dựng cơ bản vẫn cứ tăng. Có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chạy theo thành tích làm cho ngân sách không đáp ứng được?”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) đặt vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương (huyện Từ Liêm) đặt vấn đề hậu quả của các dự án đã triển khai nhưng có quyết định dừng thì phải xử lý thế nào? Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Xuân Diên thẳng thắn đề nghị tìm người có trách nhiệm trong việc chưa được duyệt vốn dự án nhưng đã ký thực hiện dự án.

Tiếp phần chất vấn của đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đặt câu hỏi: “Bệnh nợ xây dựng cơ bản có chữa được không và giải pháp là gì, lúc nào thì chữa xong?”.

Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu HĐND thành phố, ông Ngô Văn Quý cho biết, việc triển khai vượt kế hoạch vốn do chủ đầu tư thực hiện trên cơ sở nhà thầu tự ứng vốn, không tính lãi, có điều kiện đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm đưa vào sử dụng; đối với doanh nghiệp mang lại việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc để tình hình như trên gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Quý cho là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, để nhà thầu thi công vượt kế hoạch đầu tư, chậm quyết toán công trình hoàn thành làm cơ sở thanh toán. Một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí (các dự án nợ ngoài kế hoạch). Ngoài ra, viêc bố trí còn dàn trải, phân tán, dẫn đến thiếu vốn cho công trình gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

Để xảy ra tình trạng khối lượng xây dựng cơ bản vượt kế hoạch vốn đầu tư và chưa được thanh toán, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trách nhiệm thuộc các chủ đầu tư các dự án, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có khối lượng vượt kế hoạch chưa có vốn thanh toán; công tác tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản của các sở, ngành liên quan, chỉ đạo của thành phố đã tích cực tuy nhiên còn chưa quyết liệt.

Kết thúc phần chất vấn nợ xây dựng cơ bản, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, vấn đề này mặc dù đã được cảnh báo từ nhiều kỳ họp HĐND trước đây nhưng nợ vẫn cứ tăng. Trong 5 nguyên nhân chỉ ra phần lớn đều là chủ quan, rơi vào công tác quản lý nhà nước. Do đó, nếu không nhận thức đầy đủ thì khó khắc phục. “Phải phân tích kỹ lưỡng, chỉ rõ địa chỉ đơn vị, cá nhân sai phạm dẫn đến nợ xây dựng cơ bản để xử lý nghiêm”, bà Thanh nói.

Quang Phong