Hà Nội: Nhà chờ xe buýt nhanh "5 sao" chưa sử dụng đã xuống cấp
(Dân trí) - Dự án xe buýt nhanh Hà Nội (BRT) được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và kỳ vọng sẽ mang đến diện mạo mới cho giao thông thủ đô nhưng tiến độ của dự án vẫn đang chậm trễ và hiện tại nhiều nhà chờ xe buýt “5 sao” của dự án chưa được sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng...
Thế nhưng, cho đến nay, dù đã bước sang năm 2016 được gần 1 quý nhưng hệ thống nhà chờ xe buýt này vẫn “đắp chiếu”, nhiều hạng mục đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Nhà chờ xe buýt nhanh tại đường Quang Trung (Hà Đông) có kết cấu thép, ốp vách kính cường lực. Tuy nhiên, hiện tại phần mái đã nứt toác, lộ cả khung thép bên trong. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân được cho là do phần mái nhô ra khoảng hơn nửa mét so với mép đường khiến nhiều xe tải đi qua va quệt phải và gây ra hư hỏng.
Phía bên kia phần mái của nhà chờ cũng bị va quệt dẫn đến hư hỏng khá nặng.
Trong khi đó, bên ngoài nhà chờ, quang cảnh hiện vẫn còn khá ngổn ngang. Một số công nhân hàng ngày vẫn tiếp tục thi công.
Tại đường Lê Văn Lương, một nhà chờ xe buýt "5 sao" bị phủ một lớp bụi dày.
Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, phía bên trong nhà chờ này sẽ trang bị máy bán vé, máy quét thẻ và soát vé tự động. Thế nhưng, đến thời điểm này phía bên trong các nhà chờ này vẫn trống hoác, các con ốc đã hoen gỉ, khung cửa trông khá nhếch nhác.
Hệ thống cáp điện vứt ngổn ngang dưới sàn nhà chờ.
Dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng các công trình này đều không có rào chắn hoặc bảo vệ trông giữ.
Cửa ra vào một số nhà chờ còn được mở tự do, phía bên ngoài chủ đầu tư chỉ trang bị một tấm biển cảnh báo sơ sài.
Hệ thống cầu vượt dẫn đến các nhà chờ cũng đã hoàn thiện nhưng vẫn "đắp chiếu" nằm không, gây ra sự lãng phí lớn.
Nhà chờ xe buýt được đầu tư tiền tỷ tại bến xe Yên Nghĩa bị bỏ không trong khi các hành khách vẫn phải "đội nắng, đội mưa" bên ngoài.
Lý giải về tiến độ chậm trễ, “đắp chiếu” các chờ xe buýt "5 sao", đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho hay, do quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn, mặt đường chật hẹp, thêm vào đó là mật độ, lưu lượng giao thông lớn nên chủ yếu thời gian thi công được thực hiện vào ban đêm. Mặt khác do loại hình vận tải hành khách này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng nên vừa thi công phải vừa học hỏi, khắc phục để phù hợp với thực tiễn. Đến giờ, một số hạng mục của dự án như xây cầu đi bộ tại các nhà chờ, mua sắm thiết bị, đoàn xe... vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành. Dự kiến, hệ thống nhà chờ này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2016.
Hà Trang
Ảnh: Trần Văn