1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Người dân dựng lều ăn ngủ dưới chân núi, phản đối xây nhà máy rác

(Dân trí) - Lo ngại việc xây dựng nhà máy rác thải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, nên từ nhiều ngày qua người dân xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) đã kéo nhau lên núi Thoong, căng lều, dựng bạt ăn ngủ ngay dưới chân núi để phải đối việc thi công của nhà thầu.

Hà Nội: Cả trăm người ăn ngủ dưới chân núi phản đối xây nhà máy rác

“Cắm chốt” xuyên đêm để canh xe rác

Theo phản ánh của người dân, sự việc bắt đầu xảy ra từ ngày 3/8 khi đơn vị thi công tiến hành việc đóng cọc, căng dây thép chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại khu vực núi Thoong (xã Tân Tiến – Hà Nội).

Hàng trăm người dân, từ già đến trẻ đã bỏ việc đồng áng đồng loạt kéo nhau lên núi để phản đối việc thi công, xây dựng. Mỗi ngày, có khoảng vài chục người (có hôm lên tới cả trăm người) luân phiên mang theo xoong nồi, xô chậu, bếp ăn cắm chốt, ăn ngủ cả ngày lẫn đêm.

Tại vị trí lối đi dẫn lên núi, bà con còn mang đá tảng chắn ở giữa đường, ngăn không cho xe chở vật liệu xây dựng vào. Các cụ già được huy động ngồi canh, chỉ cần nghe tiếng xe rác vào lập tức sẽ gõ kẻng hoặc gọi điện cho người dân trong thôn kéo vào phản đối.

Hố chôn lấp rác tại chân núi Thoong
Hố chôn lấp rác tại chân núi Thoong

Bà Nguyễn Thị Tơ (66 tuổi, thôn Đồi Chè – xã Tân Tiến) cho biết, thực tế năm 2008 tại khu vực núi Thoong này đã từng xảy ra sự cố rò rỉ hố chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bà Tơ cho biết, vị trí chôn lấp rác nằm ở đầu nguồn mạch nước ngầm, nên không chỉ 6 thôn của xã Tân Tiến mà các xã lân cận như Thủy Xuân Tiên và Nam Phương Tiến đều bị ảnh hưởng.

Thời điểm đó, dòng nước bẩn từ hố chôn rác ngấm vào giếng ăn của các hộ dân khiến cho nước có màu đen, tanh hôi. Người dân phải mắc màn ăn cơm vì ruồi muỗi “tấn công”. Thậm chí, cánh đồng hoa màu của bà con cũng bị chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại nặng nề.

Bà Tơ bức xúc nói: “Năm đó, chúng tôi thậm chí còn không dám ra khỏi nhà vì không khí ô nhiễm quá, đi đâu cũng ngửi thấy mùi thối, nước ăn cũng ô nhiễm nên phải bỏ tiền đi mua nước ở nơi khác về sử dụng. Khổ nhất là trẻ con và người già thường xuyên bị ốm và mẩn ngứa. Vì thế, khi biết lại có chủ trương xây bãi rác ở đây, người dân không ai đồng thuận cả. Có ai dám khẳng định sự cố lại không tiếp tục xảy ra?”.

Hàng rào thép gai mới được dựng lên khoanh mốc giới khu nhà máy đổ rác
Hàng rào thép gai mới được dựng lên khoanh mốc giới khu nhà máy đổ rác

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vẻ (82 tuổi, Tân Tiến – Chương Mỹ, Hà Nội) cũng cho biết, cho đến bây giờ dù đã nhiều năm trôi qua nhưng sự cố rác thải năm nào vẫn gây ám ảnh cho bà con nơi đây. “Tôi không biết có phải do ảnh hưởng của việc ô nhiễm nguồn nước không nhưng sau năm đó, người dân trong thôn chết vì ung thư tăng đột biến. Ngay thôn của tôi đã có hàng chục người chết cả già lẫn trẻ”, bà Vẻ đau xót nói. Bản thân gia đình bà Vẻ cũng có 2 người con trai chết vì ung thư phổi. Hiện tại, bản thân bà cũng thường xuyên cảm thấy khó thở, tức ngực.

Để phản đối việc xây dựng bãi rác, bà Nguyễn Thị Năm (84 tuổi, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến) tranh thủ mang cả rơm lên núi để vừa tranh thủ làm chổi bán vừa thuận tiện việc canh xe rác. Bà Năm cho hay, bà nghi ngờ sự cố rò rỉ hố rác năm 2008 chính là nguyên nhân khiến nguồn nước trong thôn bị ô nhiễm, nhiều người đến nay sức khỏe vẫn bị ảnh hưởng: “Chồng tôi chết, tôi có 4 đứa con thì hai đứa cũng bị chết vì ung thư phổi và ung thư gan. Không riêng gì gia đình tôi, trong thôn nếu thống kê từ sau năm 2008 thì số người chết vì ung thư cũng không đếm xuể”.

Chính quyền xã nói gì?

Theo ghi nhận của PV Dân trí, quanh khu vực núi Thoong một hàng rào dây thép khoanh mốc giới khu đất 10ha đã được dựng lên đánh dấu vị trí dự kiến sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Bên trên núi, một hố chôn lấp rác thải cũng đã được đào nhưng chưa đi vào sử dụng. Theo người dân, sự cố rò rỉ rác thải xảy ra ở hố chôn cách vị trí chiếc hố mới đào không xa.

Anh Nguyễn Đức Thuận (SN 1979, xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, vị trí dự kiến chôn lấp rác ở khá sát khu dân cư, đặc biệt lại nằm ở lưng chừng núi, nơi đầu nguồn nước nên chỉ cần một sự cố rò rỉ thì nước thải sẽ chảy xuống gây ô nhiễm toàn bộ khu vực xung quanh núi. Anh Thuận cũng cho hay, với công suất hoạt động lớn nên dù những hố chôn lấp rác có trang bị thêm các miếng vải chống thấm ở bên dưới cũng không thể ngăn được chất thải thẩm thấu vào lòng đất.

“Tôi thấy vị trí này không thích hợp làm hố chôn rác. Bà con ở đây nghe thông tin ai cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ, chúng tôi không thể yên tâm vì sự cố có thể xảy ra bất cứ khi nào. Hơn nữa, khi huyện và xã có chủ trương xây dựng người dân chúng tôi không được biết cũng như lấy ý kiến. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu thật kỹ và có phương án di dời nhà máy để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây”, anh Thuận nói.

Lo sợ ô nhiễm lặp lại, người dân xã Tân Tiến hiện vẫn đang cắt cử luân phiên nhau ngay đêm để canh không cho xe rác vào chân núi Thoong.
Lo sợ ô nhiễm lặp lại, người dân xã Tân Tiến hiện vẫn đang cắt cử luân phiên nhau ngay đêm để canh không cho xe rác vào chân núi Thoong.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Hữu Định (Phó chủ tịch xã Tân Tiến – Chương Mỹ - Hà Nội) cho hay, dự án xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt núi Thoong do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư đã được UBND Huyện Chương Mỹ phê duyệt vào năm 2007. Ban đầu, dự án này được xây dựng trên diện tích chỉ 2ha sau đó được mở rộng với tổng diện tích vào khoảng 10ha. Công suất hoạt động là 240 tấn/ ngày đêm. Theo thiết kế kỹ thuật, khu xử lý rác sẽ gồm 2 hố chôn rác và 1 hố thu nước rích chung; sau khi đầy rác sẽ tiến hành đóng bãi, cuốn chiếu từng phần.

Ông Định cho biết, sự cố rò rỉ hố chôn rác mà người dân phản ánh xảy ra vào tháng 7/2008 tại vị trí hố chôn rác 2. Thời điểm đó, nước bẩn rò rỉ theo các mạch nước, hang núi, phát tán nước màu đen ra khu vực xung quanh, gây chết lúa mới cấy và ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch mùa màng của bà con.

Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc để khắc phục sự cố “thủng đáy” ở bãi xử lý rác thải Núi Thoong bằng việc đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng cho 3 hạng mục gồm: hoàn thiện ô chôn lấp số 1, đào mới ô chôn lấp số 3, xây dựng hệ thống mương phong tỏa trước mặt, ngăn chặn nước ô nhiễm chảy vào nhà dân, xây dựng khu xử lý nước tích từ bãi rác. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã có quyết định cho phép mở cửa lại khu xử lý rác thải núi Thoong. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công tiến hành vào cắm hàng rào chỉ giới thì bà con kéo đến phản đối và ngăn cản không cho xây dựng.

Người dân xã Tân Tiến hiện rất bức xúc và mang theo mọi nhu yếu phẩm để sinh hoạt ngay dưới chân núi Thoong để ngăn các xe chở rác và mong muốn công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai không được đổ rác tại chân ngọn núi này.
Người dân xã Tân Tiến hiện rất bức xúc và mang theo mọi nhu yếu phẩm để sinh hoạt ngay dưới chân núi Thoong để ngăn các xe chở rác và mong muốn công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai không được đổ rác tại chân ngọn núi này.

Ông Nguyễn Hữu Định cũng cho biết, ngay hôm xảy ra sự việc UBND xã cũng đã cử người xuống tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương của huyện và Thành phố song nhiều người vẫn quyết tâm dựng lều, bám trụ để cản trở việc thi công.

“Việc xây dựng đã được phê duyệt và nằm trong quy hoạch xây dựng xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đã có chủ trương chung, chúng tôi là đơn vị cấp xã nên cũng chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo”, ông Định nói.

Xuân Ngọc – Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm