Hà Nội nghiên cứu có thêm thành phố phía Nam
(Dân trí) - Bên cạnh áp dụng mô hình thành phố trong thủ đô ở phía Tây và phía Bắc, UBND TP Hà Nội đề xuất nghiên cứu thêm thành phố phía Nam nhằm tạo cơ chế đặc thù cho khu vực Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Ngày 18/12, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tham vấn Tổ công tác Bộ Xây dựng về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết hiện, đồ án trên chuẩn bị được báo cáo Bộ Xây dựng để đưa ra Hội đồng thẩm định quốc gia.
Vừa qua, Nghị quyết về nội dung này đã được trình lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP Hà Nội vào ngày 8/12.
Theo đồ án, UBND TP Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình thành phố trong thủ đô tại khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa). Mục đích nhằm tạo cơ chế đặc thù cho các khu vực này.
Theo KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn lập đồ án), thủ đô Hà Nội sẽ có cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian, hình thành cấu trúc vành đai, hướng tâm và trục không gian cảnh quan sông Hồng; 5 vùng đô thị nông thôn.
Hệ thống đô thị gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh.
Mô hình phát triển đô thị theo chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm gồm: Đô thị trung tâm (phía Nam sông Hồng; Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc (thuộc các quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Xây dựng, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh các quy hoạch cần làm rõ hơn nữa vị thế của Hà Nội là thủ đô của một đất nước có hơn 100 triệu dân và là một trong 16 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng thành phố cần làm rõ về các vấn đề về dân số, phát triển kinh tế, sử dụng đất đai; đảm bảo khung thiên nhiên là các con sông, ngọn núi lớn; khung hạ tầng kết nối; làm rõ định hướng phát triển trục sông Hồng; phát triển mô hình đô thị sân bay, đô thị phát triển theo mô hình TOD…
Cùng góc nhìn, TS Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, gợi ý đồ án nên nhận diện và tìm giải pháp cho "điểm nghẽn" trong phát triển đô thị hiện nay như di dời dân cư và tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ trong khu vực nội đô lịch sử; phát triển hạ tầng tại khu vực nội đô mở rộng...
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng cần có các cơ chế, chính sách cụ thể hơn để làm rõ cấu trúc mô hình "thành phố trong thành phố"; có lộ trình xây thêm nhiều cầu để phát triển trục cảnh quan trung tâm sông Hồng.
"Đồ án cũng cần thể hiện rõ quan điểm di dời các khu nghĩa trang nhỏ lẻ đang tồn tại trong các khu đô thị để hình thành nghĩa trang tập trung của thành phố", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố đang tổ chức lập hai đồ án quy hoạch có ảnh hưởng lớn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô bao gồm: Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về mô hình thành phố trong thủ đô, ông Tuấn cho biết có thể nghiên cứu thành phố phía Nam trong giai đoạn 2045-2065, nhằm đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng sân bay thứ hai - Vùng thủ đô vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng năm 2050.
Với mong muốn tạo dựng hình ảnh của thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kỳ vọng những ý kiến đóng góp của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng đồ án; làm cơ sở để định hướng phát triển đô thị của thủ đô đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ mới.