1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch Hà Nội: Mỗi sáng có 2,3 triệu cháu đến trường, không ùn tắc mới lạ

Hà Mỹ

(Dân trí) - "Mỗi sáng mở mắt dậy, 2,3 triệu học sinh đồng loạt đến trường kèm theo phụ huynh đưa đón, không tắc mới lạ", Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu nguyên nhân giao thông thủ đô thường xuyên ùn tắc.

Ngày 7/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của kỳ họp cuối năm với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về giao thông đô thị. Tại đây, ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe và bất cập trong vận hành xe buýt là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho lãnh đạo sở, ngành của Hà Nội. 

"20 năm nữa nếu làm quyết liệt, Hà Nội sẽ có 12 tuyến đường sắt đô thị"

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông trong khi tốc độ gia tăng dân số và phương tiện của Hà Nội đang ở mức cao, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh dẫn báo cáo của Sở GD&ĐT cho biết thành phố hiện có 2,3 triệu học sinh.

"Mỗi sáng mở mắt dậy, 2,3 triệu cháu này đồng loạt đến trường kèm theo phụ huynh đưa đón thì không ùn tắc mới lạ. Chưa kể các gia đình, sinh viên", ông Thanh nhấn mạnh chỉ khi đồng bộ được hệ thống giao thông công cộng thì Hà Nội mới giải quyết được vấn đề này.

Theo đó, ông Thanh cho biết Hà Nội sẽ lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn làm tổ trưởng để lập đề án riêng, thực hiện tổng thể 12 dự án đường sắt đô thị; có nguồn lực riêng, cơ chế riêng.

Đây là nội dung Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị để cho ý kiến. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh bày tỏ kỳ vọng đến 20 năm nữa nếu làm quyết liệt, thành phố sẽ có hệ thống 12 tuyến đường sắt đô thị.

Chủ tịch Hà Nội: Mỗi sáng có 2,3 triệu cháu đến trường, không ùn tắc mới lạ - 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời các câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn của HĐND TP, chiều 7/12 (Ảnh: Thanh Hải).

Tập trung trao đổi thêm về cơ chế phân cấp ủy quyền, Chủ tịch Hà Nội cho rằng có những nội dung muốn mạnh tay phân cấp nhưng chưa có cơ chế.

Với một thành phố 10 triệu dân như Hà Nội, ông Thanh đánh giá khối lượng công việc của các sở vô cùng lớn. Cho rằng với GDP 52 tỷ USD mỗi năm mà Hà Nội phải quản trị như các tỉnh bình thường là việc rất khó, ông đề nghị nâng cấp vai trò của quận, huyện, sở, ngành cao hơn nữa thì mới giải quyết được thấu đáo các vấn đề đang vướng mắc.

"Tại sao chậm, tại sao làm ẩu, đó là do đặc thù đô thị của chúng ta đặc biệt hơn nhưng mô hình quản trị lại giống tất cả các thành phố khác. Do đó việc chậm, chất lượng chưa cao là khó tránh khỏi", ông Thanh lý giải. 

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho rằng 2023 tuy là một năm khó khăn nhưng kết quả thực hiện trên các mặt của thủ đô "tương đối đều tay". Theo đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn hiện đạt 10,17%, trong khi cả nước mới có 8,1%.

Ông Thanh nhấn mạnh số liệu trên "chứng tỏ doanh nghiệp và đời sống kinh tế của Hà Nội gần như vẫn còn có hơi thở, có sức sống". Đây là sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ sở, ngành, địa phương, thành phố và cả người dân, doanh nghiệp.

"Có tình trạng sợ trách nhiệm, có tình trạng né tránh nhưng cơ bản là cán bộ Hà Nội vẫn còn làm việc. Đương nhiên có nhiều việc chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân nhưng người thì ít việc thì nhiều, việc ngày càng khó. Chúng ta phải cùng nhau đồng bộ quyết liệt từ cơ sở để giữ được nhịp này, không chủ quan nhưng cũng không nên bi quan", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh. 

Đại biểu chất vấn về tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng nhiều tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, Tổng giám đốc công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết sau Covid-19, thói quen di chuyển của người dân thay đổi. Nhiều người chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. 

Việc này khiến các doanh nghiệp vận tải chịu tác động khi giảm doanh thu và chảy máu nhân lực. Do đó, nhiều đơn vị vất vả trong tuyển dụng và đào tạo lại các lao động phục vụ phương tiện công cộng trên địa bàn. 

Chủ tịch Hà Nội: Mỗi sáng có 2,3 triệu cháu đến trường, không ùn tắc mới lạ - 2

Đại biểu HĐND TP Hà Nội phản ánh tình trạng nhiều tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn (Ảnh minh họa: Ngân Kim).

Để giải quyết, ông Nam cho biết đơn vị đã cải thiện quy trình tuyển dụng, nâng cao năng lực trình độ cho người lao động, phát động đợt thi đua để lái xe chấp hành tốt kỷ luật, kiên quyết xử lý vi phạm và đào tạo lại các tài xế chưa đạt yêu cầu, "kiên quyết không bao che vi phạm". 

Cùng với đó, từ ngày 1/12, đơn vị triển khai tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng thông qua hệ thống quản trị. Người dân có bất kỳ phản ánh nào ghi lại bằng hình ảnh, video sẽ được tiếp nhận và xử lý ngay. 

"Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, với 11.000 lượt xe vận hành hàng ngày không tránh khỏi thiếu sót, mong người dân tiếp tục ủng hộ và chia sẻ với doanh nghiệp", ông Nam nói. 

Chủ tịch Hà Nội: Mỗi sáng có 2,3 triệu cháu đến trường, không ùn tắc mới lạ - 3

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu về giao thông đô thị (Ảnh: Thanh Hải).

Nói thêm về vấn đề xe buýt, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết Hà Nội hiện vận hành 154 tuyến trong đó có 132 tuyến được trợ giá. Sau 3 năm dịch Covid-19, sản lượng xe buýt sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó theo đề án chung, đến năm 2045, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội phải đạt 30-35% nhu cầu di chuyển của người dân. Hiện, thành phố mới đạt 19% chỉ tiêu.

Nhìn nhận tốc độ lưu thông của xe buýt cũng là "vòng luẩn quẩn", lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nêu nghịch lý người dân sử dụng nhiều phương tiện cá nhân gây ùn tắc, từ đó tốc độ lưu thoát xe buýt ngày càng thấp. Việc này lại càng khiến người dân từ bỏ phương tiện công cộng. 

"Do đó, cần cơ chế thu hút người dân quay trở lại với giao thông công cộng bằng cả biện pháp hành chính và kinh tế. Còn nếu cứ phát triển hạ tầng chạy theo phương tiện cá nhân thì không đô thị nào làm được", ông Thường nói. 

Về lộ trình thay thế xe buýt xăng bằng xe buýt điện, ông Thường cho rằng đây là vấn đề khó và cần thành phố trợ giá để triển khai. Bởi lẽ, giá một xe buýt điện là khoảng 7,5 tỷ đồng, gấp 3 lần xe buýt thông thường. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm