Hà Nội: Ngang nhiên “chiếm” đường “trấn lột” tiền đỗ xe ô tô
(Dân trí) - Tại một số tuyến đường cấm đỗ xe ô tô trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, mỗi khi có chủ phương tiện tạt vào lề đường dừng đỗ, lập tức có người chạy đến ra điều kiện muốn đỗ thì phải bỏ ra số tiền 30 nghìn đồng/lượt…
Theo phản ánh của nhiều chủ xe ô tô trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua họ liên tục bị “trấn lột” tiền đỗ xe 1 cách vô lý bởi các “tay anh chị” tại 1 số tuyến đường cấm đỗ xe ô tô hoặc trên vỉa hè một số tuyến phố không có biển báo cho phép dừng đỗ, khai thác trông giữ xe.
Để tìm hiểu vấn đề này, PV Dân trí đã mất 1 một thời gian khá dài dạo trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội và phát hiện 3 khu vực chủ phương tiện ô tô thường bị “trấn lột” tiền đỗ xe như phản ánh ở trên; đó là đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân – Hà Nội), vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa – Hà Nội) và vỉa hè đường Đào Duy Anh (Đống Đa – Hà Nội).
Tại đường Giáp Nhất, tuyến đường chạy song với đường Láng, với lòng đường khá nhỏ (đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Mọc), cơ quan chức năng không cho phép các đơn vị cá nhân, tập thể khai thác điểm đỗ xe ô tô, xe máy. Nhưng thực tế, hàng ngày tại tuyến đường này (đoạn đối diện với Đình làng Giáp Nhất) vẫn có khá nhiều chủ phương tiện ô tô tạt vào lề đường dừng đỗ. Theo quan sát, mỗi lần có ô tô xi nhan vào lề đường, 1 thanh niên khoảng 30 tuổi chạy ra “nhiệt tình” hướng dẫn đỗ xe 1 cách ngay ngắn. Tất nhiên muốn đỗ ở đó mỗi xe phải mất 30.000 đồng/lượt, còn không sẽ bị “đuổi thẳng cổ”.
Nam thanh niên đang chuẩn bị "trấn lột" tiền đậu xe của chủ phương tiện ô tô tại đường Giáp Nhất
Để kiểm chứng vấn đề này, PV Dân trí đã “nhập cuộc” bằng cách điều khiển xe ô tô đến vị trí nói trên. Ngay khi xi nhan để tạt xe vào lề đường, lập tức 1 thanh niên chạy ra hướng dẫn xe đỗ vào hàng ngay ngắn. Chúng tôi ngỏ ý xin đỗ nhờ, nhưng lập tức người này tỏ thái độ khó chịu và nói rằng muốn đỗ phải mất phí 30.000 đồng/lượt.
Không hề có biển báo chữ "P" và vạch trắng sơn liền tại đường Giáp Nhất, nhưng hàng ngày vẫn có người kiếm bộn tiền nhờ thu tiền đỗ xe ở đây.
Vỉa hè phố Đào Duy Anh, chủ phương tiện ô tô muốn đỗ tạm cũng phải mất phí 30.000 đồng và không hề có vé xe
Tương tự, tại vỉa hè đường Đào Duy Anh (đoạn ngã 3 Phạm Ngọc Thach – Đào Duy Anh) và đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn gần đối diện với trụ sở Công an TP Hà Nội), theo quan sát, 2 vị trí này không hề có biển báo, vạch kẻ màu trắng theo qui định để cho phép dừng đỗ xe. Khi PV Dân trí tiếp tục dùng xe ô tô “nhập cuộc” để điều tra, thì phát hiện 2 khu vực nói trên đều bị các “tay anh chị” ra đó “cắm chốt” trông xe thu tiền bất hợp lý, với mức phí 30.000 đồng/lượt và không hề có vé.
Riêng khu vực vỉa hè phố Phạm Ngọc Thạch như đã nói ở trên, khi chúng tôi yêu cầu vé gửi xe thì 1 nam thanh niên cho biết khi ra lấy xe sẽ ghi cho “Phiếu giao nhận xe ô tô” còn không có vé xe. Khi chúng tôi lấy xe, đúng như “lời hứa” 1 nam thanh niên đã đưa cho chúng tôi “Phiếu giao nhận xe ô tô”, trên phiếu có ghi tên 1 nhà hàng VUVUZELA 5, biển số xe, cộng thêm một vài thông tin khác.
"Phiếu giao nhận xe ô tô" này được xem là "lá bùa" tạo niềm tin để các đối tượng "trấn lột" tiền đỗ xe ô tô bất hợp pháp trên vỉa hè phố Phạm Ngọc Thạch
Căn cứ vào “Phiếu giao nhận xe ô tô” này, chúng tôi nhận định rất có thể đây là nhân viên trông xe của Nhà hàng VUVUZELA 5 tranh thủ vừa vẫy khách vào nhà hàng vừa “kiếm ăn” thêm tiền trông xe ngoài. Thực tế, tại vị trí này, phía bên trong trước cửa nhà hàng là chỗ được phép đỗ xe theo qui định; nhưng phía bên ngoài là vỉa hè dành cho người đi bộ, không được phép đỗ xe, nhưng đã bị “chiếm dụng” để trông xe bất hợp pháp.
Theo qui định phải có biển báo, vạch màu trắng kẻ liền theo khung như này mới được phép đỗ xe ô tô
Một điểm chung của những người thu tiền đỗ xe trái phép là đều không mặc trang phục theo qui định, không có vé xe hoặc nếu có vé thì cũng không phải mẫu vé theo qui định của TP Hà Nội. Tuy nhiên, mỗi ngày “qua mắt” được cơ quan chức năng, những đối tượng này thu về một số tiền không hề nhỏ.
Hoàng Dũng