1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội nêu 6 tiêu chí nhằm hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Bước đầu, Hà Nội có thể cấm lưu hành các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; các tổ chức, cá nhân sinh sống làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ có 12 tháng để chuyển đổi phương tiện.

Hà Nội vừa có dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố, sau khi lấy ý kiến người dân.

6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải

Dự thảo lần này Hà Nội đưa ra quy định cụ thể hơn, trong đó phạm vi khu vực hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường được mở rộng so với dự thảo cũ.

Theo dự thảo mới, có 6 tiêu chí (dự thảo cũ là 5 tiêu chí) để xác định các khu vực hạn chế phát thải.

Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập.

Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Hà Nội nêu 6 tiêu chí nhằm hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm - 1

Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.

Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông.

Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, đối tượng áp dụng của nghị quyết này gồm các tổ chức, cá nhân di chuyển vào vùng phát thải thấp bằng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện ưu tiên theo quy định.

"Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng phát thải thấp", vị này nói.

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù của từng quận, huyện, thị xã mà chính quyền địa phương quyết định lựa chọn các biện pháp áp dụng phù hợp, khả thi, theo lộ trình thích hợp trong vùng phát thải thấp, theo đại diện UBND TP Hà Nội.

Đồng thời, bước đầu Hà Nội có thể cấm lưu hành các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định.

Ngoài ra, đối với các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định, thành phố sẽ hạn chế thu phí.

Hà Nội dự kiến chọn quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp. Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã có nhiều cuộc họp với ban soạn thảo về vấn đề này.

Được biết, khi bắt đầu thí điểm, không phải toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm đi vào, mà chính quyền sẽ lựa chọn một số khu vực có đủ điều kiện như khu vực quanh hồ Gươm, khu vực phố cổ… để áp dụng. Những khu vực khác các phương tiện vẫn đi lại bình thường.

Dự kiến, nghị quyết này được áp dụng từ năm 2025.

Hơn 390 tỷ đồng triển khai đề án giao thông thông minh giai đoạn 1

Ngày 1/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến để xem xét một số nội dung trình kỳ họp HĐND thành phố và theo chương trình công tác năm 2024, trong đó có nội dung xem xét, thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội".

Hà Nội nêu 6 tiêu chí nhằm hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm - 2

Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô (Ảnh: Nguyễn Hải).

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã đề xuất thành phố cho phép triển khai hệ thống ITS giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, với chi phí hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện giai đoạn 1 (năm 2025-2027).

Giai đoạn đầu, Sở GTVT sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thành phố sẽ triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm như cải tạo sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.

Phạm vi thực hiện bên trong Vành đai 3, gồm 55 nút trên các tuyến Vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng với số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.

Các chức năng chính của hệ thống gồm giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.