Hà Nội: Mưa to là ngập
Dự án thoát nước giai đoạn một của thành phố Hà Nội với hơn 120 triệu USD đã cơ bản hoàn thành nhưng Hà Nội vẫn còn gần 20% tuyến đường nội thành chưa có cống, hơn 20 điểm úng ngập khi có mưa lớn.
Mỗi mùa mưa, người dân Hà Nội lại nơm nớp khi ra đường vì sợ ngập, sợ ách tắc giao thông.
Ra đường sợ nhất trời mưa
Trời mưa, người Hà Nội sợ cảnh ngập lụt, cảnh tắc đường, xe chết máy trên những tuyến đường thân thuộc. Mỗi lần mưa, ngồi một chỗ người sống ở Hà Nội lâu lâu cũng có thể đọc được tên cả chục con đường đang ngập nặng tại trung tâm.
Đó là các đường Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Thái Thịnh, ngã năm Bà Triệu... Xa một chút có thể kể đến Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Trương Định, Giải Phóng... đang biến thành những khúc sông nhỏ.
Hằng năm thành phố bỏ tiền tỉ để sửa chữa, cải tạo cống thoát nước. Bên cạnh đó, dự án thoát nước giai đoạn 1 kéo dài năm năm cơ bản hoàn thành 14/16 gói thầu, xây dựng 24km cống trong 56 tuyến phố nội thành, cải tạo bốn sông, bàn giao tám hồ điều hòa, trạm bơm Yên Sở dẫn nước ra sông Hồng hoạt động công suất 45m3/giây.
Thế nhưng hệ thống thoát nước của thành phố chỉ hoạt động bình thường khi cường độ mưa từ 50mm trở xuống. Mưa to hơn vẫn xảy ra ngập úng. Bởi vì theo thiết kế của dự án thoát nước giai đoạn 1, khi hoàn thành công suất thoát nước là 172mm/hai ngày với cường độ mưa 60mm.
Khả năng thoát nước của dự án đó được kiểm chứng sau trận mưa rạng sáng 22-8 vừa qua. Lượng mưa 114mm kéo dài trong ba tiếng đã làm giao thông thành phố tê liệt cả buổi sáng vì ngập úng dẫn đến tắc đường.
Năm năm nữa vẫn còn ngập
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố có 546km cống rãnh (chưa kể các loại cống rãnh trong ngõ xóm), 100km mương (một nửa từ mương nông nghiệp chuyển sang), bốn con sông: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và 110 hồ nằm trong chín quận nội thành. Ngoài ra còn có hệ thống trạm bơm thoát nước ra các sông.
Tuy nhiên, theo ông Phan Hoài Minh - trưởng phòng khoa học kỹ thuật Công ty Thoát nước Hà Nội - cái khó của hệ thống thoát nước này là phần lớn cống quá cũ kỹ, xuống cấp vì được xây dựng cách đây 50 năm; số hồ trong nội thành nhiều nhưng chỉ mới có 36/110 hồ đóng góp vào việc thoát nước; các điểm ngập úng nặng thường nằm ở khu vực có cốt nền thấp hơn mức chung 0,6 - 1m nên mỗi lúc mưa nước các nơi lại đổ dồn về.
Ngoài ra, điểm bất cập nữa của hệ thống thoát nước thành phố là nước thải và nước mưa đi cùng gây nhiều bùn lắng làm hạn chế sự lưu thông của mương, cống bên cạnh nguy cơ ô nhiễm môi trường khi thoát nước ra sông. Hằng năm công ty nạo vét trên 100.000m3 bùn nhưng khối lượng này vẫn nhỏ hơn khối lượng bồi lắng.
Đầu tháng chín tới, hai trạm xử lý nước thải Kim Liên (3.700m3/ngày đêm) và Trúc Bạch (2.300m3/ngày đêm) của Hà Nội sẽ được đưa vào sử dụng để nâng cao năng lực thoát nước của thành phố. Dự kiến tháng 11/2005, dự án thoát nước giai đoạn 2 sẽ bắt đầu.
Trong năm năm tới (2010) giai đoạn hai dự án hoàn thành sẽ nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây (gấp đôi), xây thêm 30km cống, nạo vét cải tạo hồ Linh Đàm, Định Công để tăng sức chứa lên 3 triệu m3 nước...
Dẫu thế, khi đó dự án cũng chỉ đáp ứng được việc thoát nước cho các trận mưa có lưu lượng 320mm/hai ngày. Nếu cường độ mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn, Hà Nội vẫn cứ ngập, người đi đường vẫn cám cảnh khi thấy những nhân viên ngành thoát nước nhẫn nại đội mưa làm cọc tiêu sống bên miệng hố ga chờ nước rút.
Theo Tuổi Trẻ