Hà Nội lý giải việc đổi 270 ha đất lấy 5 tuyến đường
(Dân trí) - Ông Phạm Quý Tiên – Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, giá đất để đổi lấy 5 tuyến đường được tính toán chính xác, không gây thiệt hại cho nhà nước.
Chiều ngày 26/6, ông Phạm Quý Tiên - Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo một số sở ngành đã trả lời báo chí về việc Hà Nội đổi hàng trăm ha đất lấy 5 tuyến đường tại nội đô.
Đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định, việc chỉ định thầu đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức BT là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch và giá đất được tính toán chính xác không gây thiệt hại cho nhà nước…
Thông tin về những vấn đề liên quan đến 5 dự án làm đường đang được dư luận phản ánh, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, việc lựa chọn đầu tư theo hình thức BT là một trong những chủ trương của thành phố nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được.
“Từ năm 2007 Hà Nội đã thực hiện đầu tư một số dự án theo hình thức BT, gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô vừa được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố vào ngày 17/6”, ông Tuấn nói.
Còn vì sao lại chỉ định thầu đối với 5 tuyến đường này, ông Tuấn lý giải đây là những dự án được nghiên cứu từ năm 2009-2015 đã được Hà Nội báo cáo, các bộ ngành xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Ông Vũ Duy Tuấn khẳng định cả 5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định, quy trình đúng pháp luật, chặt chẽ, đều kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đã xem xét tất cả.
Trước câu hỏi vì sao không đấu giá đất để lấy tiền làm đường, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có thể lựa chọn con đường nào thuận lợi nhất, ngắn nhất, tiết kiệm nhất...
“Đất đai là nguồn lực quốc gia, đất cũng là tiền. Không phải các cơ quan chuyên môn chúng tôi không suy nghĩ đến việc đấu giá đất nhưng thực hiện nó không đơn giản”, ông Nghĩa nói.
Những vấn đề "không đơn giản" được ông Nghĩa đề cập đến là câu chuyện bồi thường, GPMB. Mỗi năm Hà Nội đấu giá trên 10.000 tỉ đồng đất nhưng kinh phí để GPMB có dự án chiếm đến 80%. Ngoài ra, còn phải đầu tư hạ tầng, chưa tính đến chi phí cho bộ máy hành chính thực hiện các công đoạn đấu giá đất, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án…
Vì vậy, theo ông Nghĩa con đường đấu giá đất chưa phải là con đường thuận lợi nhất nên Hà Nội đã lựa chọn thông qua nhà đầu tư để làm. Quá trình làm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, tiết kiệm ngân sách, đỡ chi phí cho các hoạt động khác.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, làm đường hết bao nhiêu tiền và cần bao nhiêu đất đều được cơ quan chức năng tính toán cẩn thận. Vì vậy, trước quan ngại tham nhũng đối với các dự án BT thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải làm công khai minh bạch các dự án này.
“Từ lúc triển khai đến lúc hoàn thành đều có giám sát của nhiều cơ quan chức năng. Sai ở đâu, nhũng nhiễu ở khâu nào thì tập thể, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm của pháp luật. Theo tôi, quy định chặt chẽ như vậy thì rất khó xảy ra thất thoát”, ông Nghĩa nói.
Đề cập thêm vấn đề trên, ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, về vấn đề thanh quyết toán với nhà đầu tư đều phải được kiểm toán xác định độc lập.
“Về giá đất thì anh Nghĩa nói rồi, có quy định, quy trình tính toán cụ thể, chứ không thể làm tùy tiện. Mặt khác cân đối giá đất và hợp đồng BT phải cùng thời điểm, có quy định chặt chẽ, không sợ thất thoát”, ông Tiên nói thêm.
Quang Phong