Hà Nội lý giải việc đặt tên các xã, phường mới mang những dấu ấn đặc biệt
(Dân trí) - Hà Nội đặt tên một số xã, phường mới mang dấu ấn văn hóa, lịch sử như Cửa Nam, Ngọc Hà, Giảng Võ, Láng, Giảng Võ, Bạch Mai, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bạch Mai, Tây Thiên, Ô Diên...
Sau khi sắp xếp, TP Hà Nội dự kiến còn 126 phường, xã, giảm 400 đơn vị hành chính cấp xã.
Cửa Nam là phường có diện tích nhỏ nhất thủ đô
Hà Nội dự kiến thành lập phường Cửa Nam trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (thuộc quận Hoàn Kiếm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Cửa Nam (thuộc quận Hoàn Kiếm).
Phường Cửa Nam cũng gồm một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Tràng Tiền (thuộc quận Hoàn Kiếm), Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du (thuộc quận Hai Bà Trưng).

Một góc Hà Nội từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị).
Phường Cửa Nam có diện tích tự nhiên là 1,68km2, quy mô dân số là gần 53.000 người. Đây là phường có diện tích nhỏ nhất Hà Nội.
Trụ sở của phường này dự kiến đặt tại trụ sở Quận ủy Hoàn Kiếm hiện nay.
Về lý do lấy tên phường mới là Cửa Nam, UBND TP Hà Nội cho biết Cửa Nam là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Hoàn Kiếm. Gọi là Cửa Nam do ở gần Cửa Đông Nam của thành Thăng Long đời Nguyễn, Cửa Nam nguyên là đất của thôn Yên Trung Thượng, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) huyện Thọ Xương cũ.
Hà Nội cho rằng việc lựa chọn tên Cửa Nam vừa bảo đảm tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa.
Bên cạnh đó, tên Cửa Nam cũng vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, theo Hà Nội.
Dấu ấn văn hóa, lịch sử
Trong 126 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội, có một số xã, phường có tên mang dấu ấn văn hóa, lịch sử như Ngọc Hà, Giảng Võ, Bạch Mai, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bạch Mai, Tây Thiên, Ô Diên...

Quận Hoàn Kiếm được tách thành hai phường là Hoàn Kiếm và Cửa Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hà Nội cho biết Ngọc Hà là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Ba Đình, đây nguyên là đất trại Ngọc Hà, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đây là địa danh của một làng trong số thập tam trại - 13 làng bao quanh hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long trước kia.
Giảng Võ là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Ba Đình hiện nay. Ở khu vực này có một ngôi điện mang tên Giảng Võ được xây dựng năm 1010, là nơi vua Lý Thái Tổ và các quan võ đến họp bàn việc nước.
Địa danh Giảng Võ bắt nguồn từ tên các điện và trường luyện tập võ nghệ để bảo vệ tổ quốc của ông cha ta ở các triều đại cũ.
Bạch Mai là một tuyến phố và cũng là phường của quận Hai Bà Trưng hiện nay. Phố Bạch Mai có ngôi đền cổ Quang Minh, thờ mẫu Liễu Hạnh; chùa cổ Liên Phái, được xây dựng từ năm 1726, có nhiều tháp cổ; chùa Mai Hương là một ngôi chùa cổ từ năm 1891; chùa Hương Tuyết được xây lại vào năm 1912.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một phường của quận Đống Đa hiện nay, là địa danh nổi tiếng của cả nước và thủ đô, được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông.
Ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi, đến năm 1072 lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông.
Tây Phương là tên gọi một ngôi chùa tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vị trí tọa lạc của ngôi chùa được coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời.
Ô Diên được lấy tên thành cổ Ô Diên, là một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long. Tên Ô Diên vừa thể hiện được truyền thống của một vùng đất cổ, vừa có giá trị văn hóa, lịch sử.
Thành Ô Diên là tên một địa danh lịch sử ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Trong thời Tiền Lý, vào thế kỷ VI, thành Ô Diên giữ vị trí hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của giặc phương Bắc.
Để đề phòng nhà Tùy xâm lược, Lý Phật Tử đã củng cố ba thành là thành Cổ Loa do Lý Phật Tử đóng giữ, thành Long Biên do Lý Đại Quyền đóng giữ, thành Ô Diên do Lý Phổ Đình đóng giữ. Từ khoảng năm 557-602, thành Ô Diên có vị trí đặc biệt quan trọng, được coi là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân.