Hà Nội lý giải vì sao cấm taxi ngoại tỉnh
(Dân trí) - “Taxi địa phương có quyền đưa khách vào Hà Nội và đón khách về nhưng không được kinh doanh cố định trên địa bàn vì khi đã kinh doanh thì phải có điều kiện”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói.
Trước những thông tin phản ứng về việc cấm taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn Hà Nội, ông Hùng nói: “Xe địa phương có quyền đưa và đón khách về và ngược lại xe của Hà Nội cũng có quyền như vậy ở ngoại tỉnh. Thế nhưng xe đăng ký kinh doanh ở các tỉnh khách thì không được kinh doanh cố định trên địa bàn Hà Nội vì kinh doanh cố định thì phải có điều kiện”.
Theo ông Hùng, sở dĩ có quyết định như vậy vì từ năm 2012, Hà Nội đã quy hoạch phát triển taxi theo kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn giao thông cũng như phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Từ đó, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký hoạt động taxi ở Hà Nội đã đem xe (biển số Hà Nội) sang ngoại tỉnh đăng ký kinh doanh, sau đó về Hà Nội hoạt động.
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn có hơn 2.000 xe taxi hoạt động theo hình thức trên. Ông Hùng cho biết, điều này gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp trong hoạt động taxi. Vì các xe đăng ký ở tỉnh khác hoạt động ở Hà Nội thì không có bến bãi, điểm dừng đỗ. Hơn nữa, thành phố cũng không thể kiểm soát được hành vi của lái xe taxi.
Để phục vụ nhân dân tốt hơn, Hà Nội đưa ra biện pháp tăng cường quản lý taxi. Ông Hùng cho rằng siết chặt hoạt động taxi cũng để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có điều kiện thì được phát triển bình thường, còn doanh nghiệp không đủ điều kiện phát triển thì cương quyết không cấp giấy phép kinh doanh. Từ đó, Hà Nội sẽ tránh được trường hợp không đủ điều kiện sang địa phương khác đăng ký, sau đó đem về hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Đề cập vấn đề siết chặt hoạt động taxi, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng, Hà Nội đã có quy hoạch taxi từ năm 2012 thì phải quyết thực hiện theo quy hoạch đó. “Tôi đánh giá cao Hà Nội đề xuất có phù hiệu taxi riêng để siết chặt hoạt động hình thức kinh doanh vận tải hành khách này”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Ông Linh cho hay, trên địa bàn thành phố có số lượng lớn taxi hoạt động cố định nhưng được đăng kí kinh doanh ở tỉnh khác. Với thủ đoạn đó đơn vị kinh doanh taxi tìm cách trốn tránh sự quản lý, giám sát của nhà nước. “Không chịu sự quản lý của ai nên những lái xe này thường lợi dụng tăng giá cước, bắt chẹt hành khách”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Cụ thể là đa số xe taxi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách bị lực lượng chức năng xử lý đều đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác. Chính vì vậy, Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT báo cáo Bộ GTVT cho phép sử dụng một loại phù hiệu riêng cho taxi Hà Nội nhằm phân biệt taxi được phép kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Với biện pháp đó Hà Nội đặt mục tiêu quản lý được số lượng cũng như chất lượng phục vụ taxi hoạt động trên địa bàn.
“Đây là việc làm thông thường, đi lại của người dân giữa Hà Nội với các tỉnh không có gì thay đổi. Taxi tỉnh khác vẫn đi vào Hà Nội bình thường, chỉ riêng đăng kí kinh doanh tại tỉnh này mà sang tỉnh khác hoạt động cố định là không được phép”, ông Linh phân tích.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội dự kiến cuối tháng 8 này sẽ chính thức cấp đổi phù hiệu taxi trên địa bàn thành “Taxi Hà Nội”. Trong quá trình cấp đổi phù hiệu sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Sau khi cấp đổi xong phù hiệu cho taxi đăng kí kinh doanh trên địa bàn, Sở GTVT sẽ chính thức siết chặt dịch vụ kinh doanh này. Về mức xử lý ông Linh cho biết sẽ làm đúng thông tư, nghị định đã ban hành. “Tuy nhiên, căn cứ vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng chúng tôi sẽ đề xuất mức phạt phù hợp và khả thi nhất”, ông Linh nói.
Quang Phong