Hà Nội: “Loạn” gà!
(Dân trí) - Cánh cửa cho thịt gia cầm vào các chợ Hà Nội đã được mở, bằng việc cho phép 17 địa điểm kinh doanh gà sạch. Tuy nhiên, khi gia cầm sạch vào được thì ngay lập tức gia cầm không sạch cũng “bám gót” theo sau…
Hầu như thâm nhập chợ nào, phóng viên Dân trí cũng được những người bán hàng nhiệt tình mời thứ hàng “ngoài luồng”.
“Núp bóng” gà sạch
Chợ Láng Thượng, 17h45' ngày 19/1, quầy hàng gia cầm Mạnh Hỷ vẫn tíu tít khách ra vào. Liếc nhanh trong tủ lạnh ở đây còn hơn 20 con gà còn nguyên bao bì, dán nhãn mác "gà sạch Phương Hiền" do Sở Y tế Hà Tây chứng nhận. Quan sát trên mặt quầy, có hai nửa con gà, một gà công nghiệp, một gà ta không thấy dấu mực tím (kiểm dịch). Nửa con gà mái ta tươi nguyên, thịt hồng, da vàng huôm…
Chiều 19/01, một đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Sở Y tế, Sở Thương mại, Chi cục Quản lí thị trường, Công an và đại diện UBND TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại một địa điểm duy nhất: Cửa hàng Vịt quay Quảng Đông, (số 17 Khâm Thiên). Kết quả, gia cầm tại đây có nguồn gốc xuất xứ, các phẩm màu đạt độ an toàn… |
Chủ hàng loanh quanh tránh câu hỏi về nguồn gốc, về việc không có dấu kiểm dịch, chỉ khẳng định gà "cực ngon" và "đảm bảo", muốn lấy bao nhiêu cũng có, chỉ cần gọi điện đặt trước. Bà chủ Mạnh Hỷ cũng cho biết cửa hàng đã bán được hơn 20 con gà loại này trong ngày. Và nếu có nhu cầu thì kể cả thịt ngan, vịt, chim cút… cửa hàng đều đáp ứng được.
Cũng tại chợ Láng Thượng, hỏi về gà quê, những người bán hàng còn chỉ vào một người bán rau. Người bán rau này cho biết vì bán chui nên phải cất giấu gà ở chỗ khác. Theo chị, khách muốn mua bao nhiêu và mua gà trong “trạng thái” nào cũng chiều hết. Nếu muốn lấy gà làm sẵn thì lát quay lại sẽ có, nếu muốn lấy gà còn sống thì sẽ được đáp ứng ngay.
Rời chợ Láng Thượng, đến chợ Thái Hà, quầy bán gà Thọ Lan không hề treo biển bán gà sạch. Chỉ duy nhất một con gà trong quầy này được bảo quản trong túi bóng và có đóng dấu kiểm dịch, trong khi 5-6 con gà còn lại hoàn toàn không dấu. Thịt tai tái, nhợt nhạt là điều mà mắt thường có thể nhận biết về những con gà ở đây. Như một người bình thường đi chợ, để thử “sản phẩm” chúng tôi vờ đưa tay chạm vào thấy thịt gà cứng ngắc.
Giải thích về gà không dấu, người bán hàng tỉnh bơ: “Khó gì cái dấu, bôi tí mực tím vào là có dấu”. Theo chị này, điều quan trọng là có giấy thu phí kiểm dịch của thú y. Thế nhưng khi bị “truy” tiếp về cái giấy thu phí này, phải mất một hồi lâu người bán mới tìm ra được một tờ giấy đã cũ và rách mèm.
Đúng là tờ giấy thu phí, nhưng là tờ giấy thu phí từ ngày 10/1. Hỏi tiếp về giấy thu phí kiểm dịch của số gà đang bán, người bán hàng quanh co là đã đưa cho một khách hàng cầm… Khi người mua rời quầy hàng, người bán vẫn còn nói với theo: “Kĩ tính quá! Bây giờ có vùng nào còn dịch đâu”.
Tại chợ Hàng Bè (Cầu Gỗ), quầy hàng gà sạch Tố Lan treo biển Phúc Thịnh hỏi ngay khách rằng: "Ăn gà ta Phúc Thịnh hay gà quê?". - "Gà quê". Bà chủ lập tức rảo bước vào nhà trong, rồi nhanh chóng quay lại với 1 con gà gói sẵn trong túi bóng đen. Con gà không dấu kiểm dịch, người còn ấm nóng, đúng như lời bà chủ, "vừa làm xong đấy".
Khách hàng thắc mắc về việc gà không có dấu kiểm dịch, chủ hàng giật ngay lại con gà: "Ừ, thế thì em không ăn được gà này đâu, lấy gà Phúc Thịnh mà dùng" và mang túi thịt gà trở lại phòng trong. Như vậy "gà lậu" được giết mổ ngay phòng trong của cửa hàng?
Không biết hay làm ngơ?
Chúng tôi tìm đến BQL chợ Hàng Bè ngay sau khi mua hụt con gà không dấu kiểm dịch. Ông Nguyễn Tiến Lợi, Tổ phó tổ chợ Hàng Bè, Cầu Gỗ cho biết: "Quầy gà sạch Tố Lan nằm trong khu vực chợ nhưng lại thuộc sự quản lý của phường Hàng Bạc vì chúng tôi chỉ quản lý những hộ kinh doanh dưới lòng đường. Chúng tôi sẽ gọi điện cho phường Hàng Bạc xuống ngay về trường hợp này"…
Khi phóng viên rời khỏi trụ sở BQL thì ông Tổ phó mới ra dáng nhanh nhẹn tiến về phía quầy hàng gà sạch Tố Lan.
Bà Đỗ Tuyết Hạnh, người phụ trách quản lí chợ Thái Hà cho biết, ngày nào các cán bộ thú y rồi quản lí thị trường cũng đến kiểm tra các quầy bán gà trong chợ. Tuy nhiên, theo bà Hạnh cho đến nay chưa hề có sai phạm nào được các lực lượng này phát hiện.
Bà Hạnh cho biết thêm, lực lượng quản lí chợ cũng thường xuyên để mắt tới các quầy bán gà, nhưng chưa phát hiện thấy gà lậu… Thật lạ là một chợ nhỏ như Thái Hà, có nhiều lực lượng kiểm tra và giám sát như vậy mà vẫn không "chộp" được gà lậu, trong khi người mua chỉ nhìn đã thấy ngay (không cần hỏi).
Còn ông Trưởng BQL chợ Láng Thượng lại hoàn toàn tự tin: "Chợ Láng Thượng chỉ có 1 điểm duy nhất được bán thịt gà. Tất cả sản phẩm gia cầm phải có đủ điều kiện, được đóng dấu kiểm dịch và đóng bao bì cẩn thận mới vào được chợ".
Có phải những người bán "gà lậu" đã sử dụng thủ thuật cao siêu đến mức có thể qua mắt được cơ quan chức năng hay các cơ quan này đang quá dễ dãi trong việc kiêm soát thịt gia cầm?
Cấn Cường - Phương Thảo