Hà Nội: Lập ban quản lý “giám sát” số tiền bán “cây sưa trăm tỷ”
(Dân trí) - Để khai thác “cây sưa trăm tỷ” và sử dụng hiệu quả số tiền thu được sau khi bán đấu giá gỗ quý, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bầu ra Ban quản lý gồm 23 thành viên.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 24/1, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, để khai thác, sử dụng “cây sưa trăm tỷ”, cộng đồng dân cư của thôn này đã thành lập Ban quản lý.
“Ban này có tên là Ban khai thác, quản lý giám sát tài sản của cộng đồng dân cư, được thành lập khoảng 1 tuần nay, gồm 23 người. Trong đó, tôi được bầu là trưởng ban, các thành viên còn lại gồm: Chi ủy lãnh đạo, trưởng các chi hội, đoàn thể, trưởng xóm và các cụ cao niên… có trách nhiệm đầu tiên là chặt hạ, bán đấu giá cây sưa. Sau đó, mọi người sẽ quản lý, giám sát, sử dụng tiền của cộng đồng” - ông Tuyến thông tin.
Theo ông Tuyến, khi nào sử dụng hết số tiền quỹ thu về từ việc bán đấu giá gỗ sưa thì ban này sẽ tự động giải tán.
Dự kiến trong tuần này, cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính sẽ được chặt hạ để dân làng được “ăn tết cho ngon”.
Dân làng kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng. Khi biết giá trị cây sưa, nhiều người lạ tìm đến thôn để cưa trộm đem bán, khiến người dân thấp thỏm canh chừng lại lo sợ cây sưa sẽ chết dần, mất giá trị.
Năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sửa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.
Đến tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Đồng thời, UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức hội nghị liên quan đến việc khai thác, sử dụng “cây sưa trăm tỷ”, thống nhất chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng từ việc bán 1 nhánh cây cho người dân quản lý, chấm dứt những “lùm xùm” trước đây.
Nguyễn Trường