1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội khôi phục không gian Điện Kính Thiên

(Dân trí) - UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên theo đề nghị của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Mục tiêu của đề án nhằm sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, thực hiện công tác khai quật khảo cổ và định hướng công tác nghiên cứu toàn diện, chi tiết không gian Điện Kính Thiên. Từ đó tạo tiền đề để cơ quan nhà nước quyết định khôi phục Chính điện Kính Thiên và toàn bộ không gian Điện Kính Thiên.

Hà Nội sẽ khôi phục không gian Điện Kính Thiên
Hà Nội sẽ khôi phục không gian Điện Kính Thiên

Phạm vi không gian nghiên cứu tổng quan gồm giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử. Cụ thể, giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan làm cơ sở đối sách. Trong đó, tập trung nghiên cứu vào triều Lê (thời Lê Trung Hưng).

Đối với không gian Điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và công trình phụ trợ khác. Trong đó quan trọng nhất là Điện Kính Thiên.

Đại Việt Sử ký toàn thư ghi rõ Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần.

Qua thời gian, dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Nền điện dài 57m, rộng 41,5m, cao 2,3m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100 cm.

Mặt trước, hướng chính nam của Điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7 m, dọc 4,45 m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn...

Quang Phong