1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội hạ cốt đê Nghi Tàm, xây cầu vượt An Dương

(Dân trí) - Một phần đất của đê Nghi Tàm (sông Hồng) - TP Hà Nội sẽ được thay thế bằng tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, có chiều dài khoảng 1.100 m. Cùng đó, Hà Nội sẽ làm cầu vượt qua nút giao An Dương - đường Thanh Niên, với tổng mức đầu tư khoảng 311 tỷ đồng.

Chiều 20/6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội thông tin về triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình và quận Tây Hồ.

Ông Nguyễn Chí Cường - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, đây là dự án nhóm B, tổng mức đầu tư 311,988 tỷ đồng.

Hà Nội đang xây dựng kế hoạch mở rộng đê Nghi Tàm
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch mở rộng đê Nghi Tàm

Cầu vượt có chiều dài 271 mét, bề rộng 10 mét theo hướng đường Yên Phụ - Nghi Tàm vượt qua nút giao An Dương – đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng, đoạn k62+500 đến K63+60, từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Liên quan đến việc điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng, ông Nguyễn Chí Cường cho biết, chức năng và cao trình đê được giữ nguyên nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ lụt. Cụ thể, sẽ thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bằng bê tông cốt thép dạng chữ L. Tổng chiều dài khoảng 1.100 m.

Theo phương án, đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ có tổng bề rộng khoảng 31 – 36 mét. Tường chắn có chân móng đảm bảo chống trượt và được thiết kế đảm bảo kết cấu làm việc an toàn, đảm bảo khả năng chịu lực, ổn định dưới tác động của các tải trọng thiết kế. Chiều cao tường chắn tính từ mặt đường thiết kế trung bình là 2,6m, bề rộng tường chắn là 1,0m.

Trên đỉnh tường chắn sẽ bố trí các hốc trồng cây xanh loại nhỏ, mặt ngoài tường chắn ốp vật liệu gốm có hoa văn trang trí tương tự như con đường gốm sứ đã làm. Mặt trong tường chắn sẽ trồng cây xanh ở chân tường thành nhiều lớp có chiều cao khác nhau che chắn được kết cấu tường chắn để đảm bảo mỹ quan.

Đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang triển khai các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu xây dựng, xin cấp phép thi công hạng mục di chuyển cấp nước, di chuyển điện, thi công công trình cầu, thi công xây lắp hạng mục tường chắn bê tông cốt thép, hè đường...

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội dự kiến sẽ hoàn chỉnh các thủ tục này trong tháng 6 để có thể triển khai thi công trong tháng 7/2017, hoàn thành công trình sau 7 – 7,5 tháng thi công.

Quang Phong