Hà Nội: Du khách chạy thục mạng vì bị “nữ quái” đeo bám
(Dân trí) - Ban đầu chỉ là những lời mời lịch sự nhưng khi bị từ chối, nhóm “nữ quái” này liền chuyển sang bám đuổi quyết liệt, liên tục nài nỉ, kéo áo... thậm chí là ép du khách nước ngoài phải đeo quang gánh, đội nón lá để vòi tiền.
Bủa vây “con mồi”
Sau một thời gian im ắng, gần đây đội quân hàng rong chuyên chèo kéo, chặt chém khách du lịch lại tái diễn “rầm rộ” ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội. Tại khu vực trước cổng chùa Trấn Quốc, mỗi ngày có khoảng gần chục “nữ quái” với gánh hàng hoa quả trên vai không từ bất cứ thủ đoạn nào để bắt chẹt khách: từ đeo bám, vòi tiền, đến ép khách mua hàng, đòi trả tiền công chụp ảnh…
Hầu hết du khách đều mắc bẫy nhóm người này vì tưởng người bán hàng Việt Nam thân thiện. Chỉ đến khi bị vòi tiền quá đắt cho những túi hoa quả rẻ tiền, nhiều vị khách mới té ngửa và biết mình bị lừa.
Khi một chiếc xe du lịch vừa dừng bánh, lập tức, gần chục người bán hàng, trên tay là túi hoa quả gọt sẵn “ập tới” bao vây, chèo kéo từng người khách ngoại quốc. Một vị khách cố len lỏi tách ra khỏi sự đeo bám thì lập tức một vài người bán hàng khác bất ngờ lao tới chặn đầu, ấn quang gánh lên vai khách du lịch. Một “nữ quái” khác thì nhanh nhảu cầm máy ảnh chụp ảnh tới tấp trong sự “ngơ ngác” của khách du lịch. Xong đâu đấy, họ “ép” du khách phải mua hàng. Thông thường, với mỗi túi hàng hoa quả du khách phải trả từ 50.00 nghìn cho đến hàng trăm nghìn đồng, ngoài ra với mỗi bức ảnh chụp hộ, nhóm nữ quái này cũng thu của khách 10 nghìn đồng/tấm.
Chỉ cần vị khách nào không may thắc mắc là ngay lập tức cả đội quân cùng bao vây, vòi vĩnh, phân trần, “ép” khách phải chi trả. Rất nhiều khách du lịch đã phải rút hầu bao thanh toán để tránh phiền phức cho bản thân.
Đội quân hàng rong này thường hoạt động theo nhóm và luôn kiên trì bám đuổi quyết liệt đến khi nào nhận được sự đồng ý mới thôi. Theo ghi nhận của phóng viên, có những vị khách du lịch bị nhóm nữ quái đeo bám cả một đoạn đường dài hàng trăm mét, nhiều vị khách ban đầu còn từ chối lịch sự, nhưng sau đó không giấu nổi vẻ sợ hãi, khó chịu vì sự “nhiệt tình” thái quá của những người bán hàng này.
Bi hài đến nỗi, một đoàn du khách người Đức đã phải tìm cách chạy thục mạng sang đường để tránh khỏi sự đeo bám của đội quân bán hàng rong.
Nhóm du khách này phải bỏ chạy thục mạng khi bị nhóm hàng rong chèo kéo quá "nhiệt tình"Tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch cũng diễn ra tương tự ở hồ Hoàn Kiếm – nơi vẫn được mệnh danh là trái tim của Hà Nội và là địa điểm tập trung rất đông du khách nước ngoài. Tuy nhiên, lần này việc chèo kéo, nài ép khách du lịch lại là người hành nghề xích lô... Để kiếm được tiền, những người này không ngần ngại đeo bám quyết liệt, ngang nhiên chặn đầu, kéo áo từng vị khách.
Bị “chém đẹp”
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lần đi tour dạo phố cổ, những người đạp xích lô này thường thu của khách từ 150 nghìn đến 200 nghìn/người. Tuy nhiên, đối với những vị khách trót không thỏa thuận giá cả từ đầu thì kết thúc chuyến hành trình khám phá phố cổ họ có thể bị “chém” lên tới cả triệu đồng.
Một du khách người Anh đã không giấu nổi ngạc nhiên khi biết mình đã bị “chém” gấp 3 lần cho chuyến đi dạo phố cổ bằng xích lô: “Tôi vừa đến Việt Nam nên không thông thuộc đường xá, tôi thấy người xích lô khá thân thiện, nên khi họ nói giá 500.000 nghìn đi dạo phố cổ tôi cũng đưa ngay và còn trả thêm 5 đô la Mỹ...”.
Rất nhiều khách du lịch khi được hỏi đều cho biết họ đã từng bị chèo kéo hoặc bị bán đắt khi mua hàng ở Việt Nam.
Anh Fabrizio – du khách người Argentina đến Việt Nam du lịch cùng bạn gái được gần một tháng cho biết, anh đã từng bị rất nhiều người bán hàng ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội chèo kéo, đeo bám. “Tuần trước, khi tôi đang đi du lịch ở thành phố Hồ Chí Mình thì có một người bán hàng đến và liên tục mời tôi mua hàng. Tôi đã mua một quả dừa với giá 6 đô la Mỹ (tương đương 150.000 nghìn đồng/ quả) vì muốn giúp cô ấy nhưng tôi hiểu là mình đã mua đắt. Chính vì thế, khi cô ấy quay lại và mời tôi lần nữa, tôi đã không mua và từ chối. Khi ra Hà Nội, tôi cũng bị một vài người bán hàng rong quàng quang gánh lên vai và mời tôi mua hàng nhưng tôi đã từ chối”.
Fabrizio cũng đã rút ra cho mình được rất nhiều bài học khi đi mua sắm ở Việt Nam. “Tôi thường ít khi mua ở ngoài vỉa hè mà thường vào các siêu thị để mua đồ vì ở đó giá cả được niêm yết rõ ràng”, anh nói.
Trong khi đó, ông George – du khách người Đức cũng tỏ ra khá lạ lẫm với kiểu bán hàng chèo kéo, đeo bám khách du lịch ở Việt Nam. Ông George cho biết, ban đầu ông còn cảm thấy vui vì nghĩ những người bán hàng ở đây thật thân thiện nhưng sau đó “họ cứ mời đi, mời lại”, thì ông lại thấy mình bị làm phiền: “Đối với người nước ngoài thì chúng tôi thấy khá lạ lẫm, rõ ràng nó đã tạo nên một hình ảnh không tốt về Việt Nam...”.
một số vị khách nước ngoài khác khẳng định dù biết bị mua đắt nhưng số tiền đó không quá lớn nên có thể chấp nhận được.
Đây không phải lần đầu tiên hiện tượng chặt chém, chèo kéo khách du lịch được phản ánh nhưng rõ ràng sau nhiều nỗ lực ra quân của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội, du khách vẫn bị chặt chém như thường. Hà Nội đã lên kế hoạch trong năm 2013 đạt 15,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,25 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, rõ ràng Hà Nội cần phải thực hiện tốt hơn công tác tổ chức, quản lý các dịch vụ du lịch, hướng tới một hình ảnh Thủ đô thanh lịch, thân thiện và văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.
HàTrang – Xuân Ngọc