1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2

Quang Phong

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu lực lượng chức năng đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá và quán cà phê từ 0h ngày 16/2, khi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố Hà Nội chiều 15/2 (tức mùng 4 Tết), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố; quán trà đá vỉa hè, quán café và tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Báo cáo nhanh tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, chiều 15/2, Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân Covid-19 mới.

Bệnh nhân là nam, 43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, ở P1507 khách sạn Somerset (số 2, Quảng An, Tây Hồ) là nhân viên văn phòng Chi nhánh Công ty TNHH Mitsui Việt Nam tại Hà Nội.

Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 2234 và bệnh 2229 (cùng tham gia cuộc họp ngày 2/2), xét nghiệm ngày 15/2 cho kết quả dương tính.

Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục điều tra các trường hợp liên quan đến ca bệnh. Các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh.

Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2 - 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng kết luận phiên họp

Liên quan đến bệnh nhân này, quận Tây Hồ cho biết, đã lấy mẫu xét nghiệm khách và nhân viên khách sạn tại đây và đều cho kết quả âm tính. Quận Hoàn Kiếm cũng đã phun khử khuẩn tòa nhà 23 Phan Chu Trinh có liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm 105 người.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, liên quan đến bệnh nhân Nhật Bản, ngành y tế đang xác định nguyên nhân lây nhiễm, trong đó có nhiều giả thuyết như lây bệnh từ nước ngoài hoặc tại Việt Nam và nếu bệnh nhân bị nhiễm ở Hà Nội thì nguy cơ bùng phát dịch của thủ đô rất cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh lưu ý, người cách ly 14 ngày sau vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sức khỏe trong 14 ngày nữa nếu không sẽ khó ứng phó với các tình huống bất thường; các trường hợp cách ly tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là đối tượng chuyên gia.

"Các quận huyện rà soát các chuyên gia trên địa bàn, các quán ăn của người Nhật cũng phải rà soát kỹ, xem xét lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ", ông Hạnh nói thêm.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thì nêu việc ở phố Hàng Khay, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), hàng quán vẫn đông đúc và nhiều người không đeo khẩu trang. Ông đề nghị quận phải xử lý nghiêm bởi nếu không có biện pháp mạnh sẽ không thể kiểm soát được.

"Các quận huyện báo cáo rất đầy đủ nhưng thực tế chưa quyết liệt xử phạt. Nhiều nơi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang là rất nguy hiểm", ông Hiền nói thêm.

Tại phiên họp Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Vân Anh cho biết, một số quận huyện đã có quyết định đóng cửa di tích. Theo bà Vân Anh, đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh hiện. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề xuất thành phố xem xét việc dừng hoạt động toàn bộ các di tích trên địa bàn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất này của lãnh đạo Sở Du lịch.

"Phải đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê, tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn sớm dịch bệnh…", ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, Hà Nội đã có những bệnh nhân Covid-19 mới nhưng chưa rõ nguồn gốc lây lan, có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo thành phố đã tổ chức họp sớm hơn 1 ngày để có những giải pháp kịp thời.

"Theo CDC Hà Nội, nguy cơ từ bệnh nhân người Nhật với cộng đồng rất cao. Các sở ngành phải quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch thành phố", Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nói thêm.