Hà Nội đốc thúc "chốt" giá xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà
(Dân trí) - Dù đã cho phép F0 đủ điều kiện được điều trị, cách ly tại nhà từ nhiều tháng qua nhưng Hà Nội vẫn chưa "chốt" được giá dịch vụ phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải có nguy cơ lây nhiễm.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 (F0) quản lý tại nhà.
Trong văn bản này, UBND TP Hà Nội thúc giục Sở Tài chính khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét thẩm duyệt giá dịch vụ về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm (Sars-CoV-2) theo chỉ của UBND thành phố, báo cáo trong tháng 4. Việc thẩm duyệt sẽ căn cứ vào hồ sơ giá dịch vụ về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm (Sars-CoV-2) của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).
Đồng thời, thành phố yêu cầu Urenco khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan hoàn thành việc xây dựng giá dịch vụ xử lý chất thải F0 được cách ly, điều trị tại nhà theo nội dung đã chỉ đạo vào hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Urenco có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của F0, không đề tồn đọng chất thải của F0 trong khu dân cư; phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã trong việc giám sát để kịp thời kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại, lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm đối với các đơn vị có cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời điều chỉnh phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phù hợp với thực tế diễn biến dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về thu gom, phân loại chất thải, khử khuẩn cho người dân; chỉ đạo việc thực hiện thu gom, vận chuyển và tổng hợp thông tin, số lượng chất thải phát sinh, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế để xem xét, chủ động điều tiết hoạt động thu gom, vận chuyển tại địa phương.
Như vậy, có thể thấy, sau nhiều tháng thực hiện cho phép F0 đủ điều kiện được điều trị, cách ly tại nhà nhưng thành phố vẫn chưa "chốt" được giá dịch vụ khi chất thải có nguy cơ lây nhiễm.
Vì sao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội im lặng?
Đặc biệt, theo ghi nhận của PV Dân trí, hồi đầu tháng 3 vừa qua, việc F0 tại Hà Nội "bùng nổ" và phần lớn người mắc Covid-19 được điều trị tại nhà đã khiến công tác phân loại, thu gom, tập kết, xử lý rác thải y tế lây nhiễm "vỡ trận". Nhiều nơi đã xảy ra tình trạng rác thải y tế được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt.
Một cán bộ phường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, công đoạn gặp khó khăn nhất trong việc xử lý rác thải y tế là thu gom, vận chuyển rác từ các hộ gia đình có F0, F1 đến điểm tập kết.
"Lúc đầu, khi số F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà còn ít thì phường cơ bản đáp ứng được việc thu gom, xử lý rác thải y tế theo quy trình. Đến khi số lượng các F quá lớn, nằm rải rác thì không còn nhân lực đi thu gom, vận chuyển nữa. Nghiễm nhiên, các loại rác thải bị gộp chung rồi xử lý theo quy trình rác thải sinh hoạt. Địa phương chỉ biết khuyến cáo các hộ gia đình buộc kín rác thải y tế để không rơi vãi ra ngoài. Chưa tính việc có người là F0 nhưng không khai báo nên không thể xác định được rác do gia đình đó thải ra thuộc loại nào" - vị cán bộ này phân tích.
Liên quan đến vấn đề nhiều nơi "vỡ trận" trong thu gom rác thải y tế của F0 điều trị tại nhà, PV Dân trí đã liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn) để giải đáp cho những thắc mắc.
Dư luận quan tâm, chờ đợi Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thông tin về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo phương án 01/PA-UBND được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 6/1; thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà sau 2 tháng ban hành phương án này.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Phương án 01/PA-UBND là "bất khả thi" ngay từ khâu phân loại, vận chuyển rác thải y tế đến nơi tập kết cần chờ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, sau gần một tháng liên hệ làm việc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa hồi đáp với những vấn đề nêu trên.