1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Đầu tư nhà ở ngoại thành để hạn chế nhập cư vào trung tâm

(Dân trí) - Bên cạnh việc quy định chặt về đăng ký hộ khẩu ở nội thành, Luật Thủ đô cũng quy định HĐND Hà Nội ưu tiên đầu tư xây nhà ở, hạ tầng thuậng tiện ở ngoại thành nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào trung tâm thành phố…

Đây là một nội dung được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhấn mạnh khi trình bày, diễn giải về nội dung Luật Thủ đô trong buổi công bố luật tại Văn phòng Chủ tịch nước chiều 14/12. Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng Vũ Hồng Khanh tham dự buổi công bố luật.

Luật Thủ đô gồm 4 chương 27 điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật khẳng định, Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, đồng thời là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Khi luật Thủ đô có hiệu lực, việc đăng ký hộ khẩu tại các quận nội thành Hà Nội sẽ khó khăn hơn.
Khi luật Thủ đô có hiệu lực, việc đăng ký hộ khẩu tại các quận nội thành Hà Nội sẽ khó khăn hơn.

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho biết, văn bản luật có nhiều quy định về các chính sách, cơ chế đặc thù của Thủ đô trong các lĩnh vực như quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển và quản lý nhà ở; quản lý giao thông vận tải...

Về nội dung quản lý dân cư, Thứ trưởng Tư pháp thông tin, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh ở nội thành trong những năm gần đây là một trong những vấn đề nan giải nhất của Thủ đô do cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện nay không thể đáp ứng được. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn này, luật đưa ra một số quy định về đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với luật cư trú.

Bên cạnh đó khoản 2 Điều 19 của luật cũng quy định các biện pháp về kinh tế - kỹ thuật bên cạnh biện pháp hành chính nhằm giảm tải việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành. Theo đó, HĐND Hà Nội ban hành biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.

“Đây là đạo luật đầu tiên có những quy định riêng áp dụng đối với một địa bàn quan trọng là Thủ đô Hà Nội. Do vậy sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan TƯ đối với thi hành luật là rất cần thiết. Luật có quy định "trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô" nhằm tạo thêm cơ chế để Quốc hội trực tiếp thực hiện việc giám sát thi hành Luật Thủ đô, nâng cao trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc tổ chức thi hành Luật” – ông Sơn trình bày.

Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

Để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Luật Thủ đô; soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức phổ biến, tập huấn nội dung của Luật.

Cùng trong buổi chiều 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các Luật, nghị định: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cua Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm