1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội đặt mục tiêu hết úng ngập vào năm 2015

(Dân trí) - Hà Nội đặt mục tiêu ba năm tới giải quyết cơ bản chống ngập úng cho khu vực đô thị trung tâm với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm, lượng mưa 310mm/2 ngày.

HĐND Hà Nội vừa thông qua quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội ưu tiên giai đoạn 2011 đến 2015, giải quyết được các vấn đề bức xúc của thành phố về giảm thiểu ngập úng và ô nhiễm nguồn nước mặt bao gồm giải quyết cơ bản chống ngập úng cho khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng đến sông Tô Lịch gồm quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm, lượng mưa là 310mm/2 ngày.
 
Hà Nội ngập lớn sau mỗi trận mưa lớn

Hà Nội ngập lớn sau mỗi trận mưa lớn

Hà Nội cũng sẽ hoàn thiện từng bước hệ thống thoát nước mưa khu vực còn lại của đô thị trung tâm và tại các đô thị vệ tinh, chú trọng thực hiện các công trình đầu mối và khắc phục các điểm ngập úng cục bộ.

Một trong những giải pháp thoát nước mưa chống ngập đang được Hà Nội xem xét là xây dựng kế hoạch tích trữ nước mưa. Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng lượng mưa cả năm tại Hà Nội trung bình là 1.676mm, cao hơn trung bình của các thập kỷ trước. Vì vậy trong tương lai cần xem xét kế hoạch dự phòng cho hệ thống thoát nước đô thị với lượng mưa tăng lên theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống thoát nước tại các đô thị của Hà Nội là hệ thống thoát nước chung (bao gồm thoát nước chung cho cả nước thải và nước mưa). Mặc dù vậy đến nay, hệ thống thoát nước chung này mới chỉ được xây dựng tại các khu vực đã đô thị hóa như nội thành Hà Nội cũ, Hà Đông, Sơn Tây, Đông Anh.

Tại các quận nội thành Hà Nội, hiện nay còn tồn tại 25 điểm ngập với trận mưa 50-100mm, với các trận mưa dưới 50mm, một số điểm trũng hoặc hoặc mạng lưới cống thoát nước chưa được cải tạo vẫn còn bị úng. Tại các đô thị khác của thành phố, còn tồn tại nhiều điểm ngập úng nhiều điểm ngập úng còn tồn tại.

Nguyên nhân chính là do quá trình đô thị hóa, hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư một cách đồng bộ; khả năng tiêu thoát của mạng lưới cống đô thị chỉ đáp ứng cho trận mưa chu kỳ nhỏ 2-5 năm hoặc hệ thống công trình tiêu thủy lực ở hạ lưu (kênh tiêu, trạm bơm thủy lợi) không đủ công suất tiêu; nhiều nơi đã xây dựng có cốt san nền thấp hơn so với quy hoạch.

Kế hoạch thoát nước trong các khu vực đã đô thị hóa, khu vực thành phố cũ, khuyến khích các hộ dân có công trình trữ nước mưa. Các công trình cải tạo xây dựng thay thế trong khu vực đô thị hiện có cũng phải có công trình trữ nước mưa tương ứng với điều kiện tiêu thoát nước trước khi cải tạo như bể chứa ngầm, vườn cây xanh, thay thế vỉa hè bằng các vật liệu xốp hoặc có khe thấm xuống đất…

Tại các khu đô thị mới phát triển, các nhà đầu tư phải bắt buộc xây dựng các công trình trữ hoặc thấm một phần nước mưa xuống đất phù hợp với kỹ thuật thoát nước bền vững, như các bãi thấm trồng cây, nền lát vật liệu thấm, hồ điều hòa nước mưa kết hợp tạo cảnh quan hoặc các hồ khô.

Bên cạnh các giải pháp xây dựng trên, Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp không xây dựng khác để hoàn thiện quản lý chống ngập úng cho thành phố như: các công trình sẽ trữ nước mưa ban đầu trên bề mặt nhưng sẽ xả đi sau khi mưa, trừ khi trong giai đoạn mưa lớn. Các công trình chứa ngoài các hồ điều hoà sẽ gồm hồ khô, hành lang xanh hai bên các trục xanh sinh thái của thành phố.

Các công trình thấm trong khuôn viên tư nhân, đường phố bao gồm các giếng tiêu nước, hố thấm, rãnh thấm nước áp dụng trong hệ thống thoát nước mưa riêng.

Đối với các hộ gia đình, bản Quy hoạch đề xuất sử dụng hệ thống chứa trong khuôn viên nhà, đồng thời có thể tiết kiệm nước bằng cách dùng nước mưa cho các hoạt động như vệ sinh, tưới cây, rửa xe… hoặc các công trình thấm trực tiếp như hố thấm, sân cỏ,…

Quang Phong