Hà Nội: Dân kêu vì tiền nước “phi mã”
(Dân trí) - Nhiều tháng qua, hơn 100 hộ dân sinh sống tại khu tập thể Bưu Điện (127, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) hết sức bức xúc vì tiền nước sinh hoạt hàng tháng cứ “tăng dần đều” nhất là từ khi được thay đồng hồ mới.
Bà Lê Thị Mẫn, tổ trưởng dân phố cho biết, hơn 100 hộ gia đình về đầy ở đã lâu nhưng đồng hồ nước thì cả khu tập thể (KTT) chỉ có một cái. Nước tự bơm vào bể chứa ngầm của KTT, sau đó mới bơm lên cho các hộ gia đình.
Đều đặn cứ cuối tháng, nhân viên của xí nghiệp kinh doanh nước sạch quận Cầu Giấy đến chốt chỉ số đồng hồ, rồi dán thông báo lên bảng tin. Các hộ gia đình trong KTT bắt đầu chia trung bình đóng góp.
“Không hiểu sao mấy tháng gần đây tiền nước bỗng tăng vù vù. Cụ thể từ tháng 1 - 4/2007 cả KTT chỉ dùng hết khoảng 4 triệu đồng/tháng, từ tháng 6,7,8 tăng đều lên 6 triệu, 7 triệu, hơn 7 triệu, rồi đến tháng 9, 10 tăng lên trên 8 triệu tiền nước/tháng... đấy là chưa kể phải cộng thêm hơn 1 triệu tiền điện bơm nước hàng tháng” - bà Mẫn cho biết.
Trước những bức xúc trên, KTT đã bầu ra ban thanh tra về nước sinh hoạt. Ông Trần Chí Nghĩa - 1 thành viên của ban thanh tra - khẳng định, tiền nước tăng từ khi nhân viên xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho thay đồng hồ đo nước mới (lí do đồng hồ cũ hỏng).
Chị Hoàng Kim Quy, phòng 303, được KTT giao cho nhiệm vụ bơm nước cho rằng, nếu nói dùng nước nhiều hơn trước kia thì tiền điện bơm nước cũng phải tăng lên. Thế nhưng, những tháng qua tiền điện bơm nước vẫn không đổi. Như vậy vì sao?
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Xuân Cương, Phó giám đốc xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết, hiện tại xí nghiệp đang đề xuất với Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội hỗ trợ cho các hộ gia đình trong KTT 10% tiền thất thoát nước sau đường ống và 5% tiền phí nhờ thu. Còn chuyện người dân "kêu" phải trả tiền nước nhiều có thể do thất thoát nước sau đồng hồ mà người dân dùng không biết.
Ông Cương khẳng định không có chuyện người thu tiền nước tự ý ghi khống số tiền hoặc đồng hồ nước không đảm bảo tiêu chuẩn vì trước khi đưa vào sử dụng các thiết bị đã được qua kiểm định.
“Nếu ban quản lí nhà của KTT muốn bàn giao cho xí nghiệp kinh doanh nước sạch quản lí thì làm văn bản gửi lên để xí nghiệp có phương án tiếp cận trạm bơm, bể chứa nước, hệ thống đường ống nước... sau đó sẽ lắp đặt đồng hồ cho từng hộ gia đình” - ông Cương trả lời câu hỏi của 1 số hộ dân xin lắp đồng hồ nước riêng.
Tuy nhiên theo tìm hiểu, hơn 100 hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể Bưu Điện hầu hết là những hộ gia đình tái định cư từ năm 2003 (trong diện giải phóng mặt bằng của Bộ Bưu chính - Viễn thông tại khu vực 62 - 64 Trần Phú) nên hiện nay KTT này cũng chưa biết là do ai đứng ra quản lí.
Theo quan sát, bể nước ngầm của KTT này nằm ngay cạnh cống thoát nước thải, rất mất vệ sinh. Miệng bể nằm cao hơn mặt đất có 10cm, chính vì thế những trận mưa to, nước bẩn ở ngoài lại tràn vào bể.
Tuấn Hợp