Hà Nội đã chặt hạ gần 300 cây cổ thụ
(Dân trí) - Để phục vụ thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và hầm chui QL6 nút giao Thanh Xuân, Hà Nội đã cho chặt hạ 288 cây cổ thụ, trong đó phần lớn là xà cừ.
Cụ thể, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cấp phép cho Ban quản lý dự án phát triển công trình đô thị chặt hạ 112 cây và dịch chuyển 91 cây để phục vụ xây dựng 7 nhà ga La Thành, Thái Hà, Láng, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê. Tiếp đó là việc cấp phép chặt 7 cây và dịch chuyển 1 cây nằm trong mặt bằng thi công đường tránh Quốc lộ 6. Ban quản lý dự án đường sắt - Cục đường sắt Việt Nam cũng được cấp phép cắt tỉa 79 cây có cành vướng vào phạm vi thi công cẩu Long Môn.
Về việc những ngày gần đây, hàng loạt cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi tiếp tục bị chặt hạ khiến giao thông bị ùn tắc kéo dài, ông Lê Trung Ngọc cho biết, hiện chưa nắm được thông tin cụ thể có bao nhiêu cây đã bị chặt hạ trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, theo ông Ngọc những cây xanh này bị chặt hạ để phục vụ cho việc thi công hầm chui Quốc hộ 6 nút giao Thanh Xuân.
Ông Ngọc cũng cho biết thông tin trước đó đã cấp phép cho Ban quản lý Thăng Long - Bộ GTVT chặt hạ 169 cây, dịch chuyển 27 cây trong mặt bằng xén hè, xém dải phân cách để thực hiện dự án xây dựng hầm chui Quốc hộ 6 nút giao Thanh Xuân.
Ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho biết, phần lớn những cây xà cừ trên địa bàn Hà Nội được trồng từ nhiều năm trước đây. Để cây không bị đổ gãy đơn vị này thường xuyên chỉ đạo cắt tỉa cành cây. Tuy nhiên, đây là loại cây rễ chùm thân hình lại rất lớn cho nên rất dễ bật gốc vào mùa mưa bão. Ông Hiếu khẳng định số lượng cây chặt hạ đều được thành phố cấp phép đúng quy định.
Theo báo cáo của Công ty công viên cây xanh Hà Nội thời gian tới tiếp tục có 252 cây bị chặt hạ thuộc kế hoạch chỉnh trang trên đường Nguyễn Trãi, trong đó có 194 cây không đúng chủng loại như bàng, bông gòn, dâu da, trứng cá; 58 cây bị cong nghiêng, sâu mục mất an toàn.
Quang Phong