Hà Nội: Cụ ông 70 tuổi hơn 30 năm "ôm đơn" đi làm giấy tờ nhập hộ khẩu
(Dân trí) - Khi đã bước sang tuổi 70, sức khỏe kém đi, niềm khao khát được cấp giấy tờ, nhập hộ khẩu để mua được bảo hiểm của ông Tiến lại trỗi dậy. Đây là việc hơn 30 năm qua ông nỗ lực làm nhưng bất thành.
Căn nhà chật chội nằm sâu trong ngõ nhỏ trên đường Trần Quý Cáp, thuộc phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1952) được một người quen cho tá túc từ năm 2005.
Ngày ngày, canh thời tiết thuận lợi, ông Tiến tranh thủ bày biện vật dụng, đồ đạc ra vỉa hè trước ngõ hành nghề sửa chữa đồ điện gia dụng kiếm sống qua ngày.
Bước sang tuổi 70, sức khỏe dần kém đi, niềm khao khát được cấp lại sổ hộ khẩu để làm bảo hiểm y tế của ông lại trỗi dậy. Đây là việc mà hơn 30 năm trước ông đã bắt đầu thực hiện nhưng bất thành.
Mới đây, ông Tiến đã có đơn đề nghị gửi chính quyền sở tại và các Bộ có liên quan để được cấp, làm lại giấy tờ. Trong đơn, ông cho biết bản thân sinh ra và lớn lên ở số 18 (nay là 21), ngõ Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội).
Ngày 27/7/1970, ông tốt nghiệp khóa học lái xe tại trường Kỹ thuật Nghiệp vụ huyện Từ Liêm (Hà Nội) và ra trường, nhận công tác tại Xí nghiệp 253 thuộc Cục Công trình 1 ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An).
Vào năm 1974, ông Tiến được điều đi B, thuộc đoàn xe miền Trung Nam Bộ. Sau giải phóng, đoàn xe này chuyển về Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đến năm 1979, khi hay tin mẹ đẻ mất, ông báo cáo và được cơ quan cho phép về thăm nhà. Trở về thăm nhà, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Tiến đã ở lại giúp đỡ gia đình, không trở lại cơ quan cũ làm việc nữa.
Năm 1990, ông Tiến lặn lội từ Hà Nội vào cơ quan cũ ở Gia Lai để xin giấy tờ về làm thủ tục nhập khẩu nhưng bất thành. Nguyên nhân là đơn vị này đã giải thể, không ai cấp lại giấy tờ cho ông.
"Từ đó cho đến nay, tôi đã nhiều lần đến Công an quận Đống Đa xin được nhập hộ khẩu nhưng công an đều hướng dẫn tôi phải về đơn vị cũ cắt khẩu xong thì mới được chuyển về địa phương. Nhiều lần đi tìm lại cơ quan cũ đều không được nên đến nay tôi vẫn không được nhập hộ khẩu về Hà Nội" - ông Tiến cho hay.
Theo lời ông Tiến, trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2000, nhiều biến cố ập đến khiến gia đình ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Sau khi vợ mất, nhà túng quẫn, ông đành gửi gắm con trai bên đằng ngoại, còn con gái thì lấy chồng nước ngoài. Bản thân ông lang bạt khắp các quận huyện ở Hà Nội, tự kiếm sống qua ngày bằng nghề sửa chữa đồ điện gia dụng…
Đến năm 2005, ông được một gia đình ở ngõ nhỏ trên đường Trần Quý Cáp thương xót, cưu mang cho đến tận bây giờ.
"Tuổi già nhiều bệnh tật mà thu nhập mỗi tháng chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều lần gặp cơ quan chức năng để làm thủ tục về sổ hộ khẩu đều bị "tắc". Không lương hưu, không có bất cứ giấy tờ nào cả. Giờ chỉ mong mỏi làm sao có thể sớm được cấp lại sổ hộ khẩu để tôi còn làm bảo hiểm y tế, giúp giảm bớt gánh nặng mỗi khi ốm đau" - ông Tiến giãi bày.
Không giấy tờ tùy thân, tồn tại như "người ngoài hành tinh"
Trong hồ sơ gửi tới cơ quan chức năng trình bày về hoàn cảnh gia đình và nguyên do xin làm lại sổ hộ khẩu, giấy tờ liên quan của ông Tiến, Công an phường Văn Miếu xác nhận, ông Tiến sinh sống ở địa bàn từ năm 2005 cho đến nay.
Bà Tống Thị Khuyết (Tổ trưởng tổ dân phố) xác nhận, người này chưa có giấy tờ tùy thân cũng như sổ hộ khẩu. Bà Khuyết đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ ông Tiến được cấp lại giấy tờ để đảm bảo cuộc sống lúc tuổi già.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Nghị (SN 1952, Tổ trưởng tổ dân phố giai đoạn 2016- 2020) cho hay, hoàn cảnh của ông Tiến rất đặc biệt, đã hàng chục năm sống ở trên địa bàn như... "người ngoài hành tinh".
"Ông Tiến không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Nói dại, nếu nay mai ông ấy mất thì thủ tục khai tử đối với trường hợp này cũng rất khó khăn. Tôi mong rằng các cơ quan sẽ quan quan tâm, giúp đỡ để ông ấy sớm được cấp lại giấy tờ, trở thành 1 công dân đúng nghĩa với đầy đủ chứng nhận pháp lý" - ông Nghị nói.