Hà Nội: Công nhiên chiếm dụng vỉa hè phố cổ

(Dân trí) - Khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2004. Tuy nhiên, phố cổ vẫn chưa được cư xử như đúng với tinh thần là một di tích, khi các vỉa hè ở đây đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Có người ví von phố cổ Hà Nội như một cô gái đẹp, nhưng những vỉa hè - bộ mặt của cô gái này đang bị “băm nát” vì các loại dịch vụ dân sinh của chính những người dân sinh sống nơi đây. Thói quen sinh hoạt, buôn bán từ hàng chục năm nay đã khiến các vỉa hè này bị công nhiên chiếm dụng.


Đồ ăn bày bán tràn ra đường, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường

Đồ ăn bày bán tràn ra đường, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường

Văn bản gần đây nhất còn hiệu lực để quản lý phố cổ Hà Nội là Quy chế Quản lý Quy hoạch – Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND Thành phố Hà Nội (tạm gọi là Quy chế quản lý phố cổ-NV).

Tại Điều 10 của Quy chế này có nêu rõ: “Quản lý vỉa hè, lòng đường theo đúng qui định của Ủy ban nhân dân Thành phố”; Điều 17 cũng nêu: đối với việc trưng bày bán hàng, hàng hóa thì “Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và tuân thủ các quy định hiện hành về trật tự đô thị”.

Quán bia ở phố Đinh Liệt bày tràn ra lòng đường.
Quán bia ở phố Đinh Liệt bày tràn ra lòng đường.

Thế nhưng, dạo qua các con đường quen thuộc trong phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bạc… không khó khăn gì để nhìn thấy những vỉa hè bị chính các hộ dân ở đây “cưỡng bức” thô bạo. Không một ai có thể nhìn thấy dấu hiệu của vỉa hè vì hàng hóa bị tràn ra tận lề đường. Người đi bộ buộc phải di chuyển xuống lòng đường, đồng nghĩa với đó là những phương tiện tham gia giao thông khác bị chiếm dụng mất phần đường của mình.

Tình trạng công nhiên chiếm dụng vỉa hè

Các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào thì bán quần áo, Lương Văn Can nổi tiếng với đồ chơi trẻ em, Hàng Mã bán đồ trang trí, Hàng Bồ ban ngày bán kim chỉ, nguyên liệu may, buổi tối thì thành địa điểm trải chiếu cho thanh niên ngồi uống rượu, nhâm nhi mực nướng… Khu vực quanh ngã tư tập trung đông đảo người nước ngoài là Đinh Liệt – Lương Ngọc Quyến còn bị các hàng bán bia hơi bày tràn ra cả ngoài đường.


Chiếu trải sẵn, chờ người ngồi xuống nhắm rượu với mực nướng.

Chiếu trải sẵn, chờ người ngồi xuống nhắm rượu với mực nướng.

Anh Nguyễn Hoàng Anh (Trương Định, Hà Nội) cho biết: Nhiều lúc cuối tuần muốn đưa trẻ con lên phố cổ chơi, nhưng rất sợ phải đi xuống lòng đường vì xe cộ đi lại nườm nượp, không biết khi nào thì đâm vào con mình.

Nói về điều này, anh Dương Hiệp (phố Hàng Bạc) cho biết: Người ta sinh sống hàng chục năm nay ở đây, bán hàng không ra vỉa hè thì ra đâu? Anh Hiệp cũng như vô số những người dân ở đây hoàn toàn không biết rằng, hành vi chiếm dụng vỉa hè chính là vi phạm những quy định hiện hành. Bởi lẽ, từ UBND Thành phố Hà Nội cho tới UBND quận Hoàn Kiếm chưa từng có văn bản nào cho phép người dân chiếm dụng vỉa hè làm của riêng dể bán hàng.

Chốt xử lý vi phạm hành chính nằm ngay cạnh...vi phạm
Chốt xử lý vi phạm hành chính nằm ngay cạnh...vi phạm

Trong Quy chế quản lý phố cổ, tại Điều 19 nêu rõ: “UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện công tác quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong Khu phố Cổ Hà Nội”, còn UBND các phường trong khu phố cổ và khu vực liền kề thì “chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng, tuyên truyền và phổ biến các quy định của Nhà nước và của Thành phố về xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu phố Cổ và công tác dãn dân; Giám sát việc xây dựng tuân thủ Giấy phép xây dựng và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền”.

Trong khu phố cổ có hàng loạt các chốt xử lý vi phạm hành chính, nhưng ngay khi chúng tôi đi ghi nhận tình trạng vi phạm về lòng đường, vỉa hè, tại chốt xử lý vi phạm hành chính của phường Hàng Đào đặt tại phố Hàng Bồ, vị cán bộ phường ngồi im lìm trong bộ đồng phục, dường như không nhìn thấy những hộ dân ở đây trải chiếu ra bán rượu, mực chỉ cách đó vài bước chân.

Phạm Việt Hưng

 

Hà Nội: Công nhiên chiếm dụng vỉa hè phố cổ - 5