1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Còn nhà gỗ, còn... cháy!

(Dân trí) - Sáng hôm nay, một số người “từng sống” trong dãy nhà gỗ 4A ở phường Chương Dương vẫn đứng thườn thượt trước xác nhà của mình. Trong khi đó, những người sống tại các dãy nhà gỗ còn lại thì phập phồng một nỗi lo vô định.

Tay trắng trong phút chốc

 

Đến gần trưa hôm nay, chị Hoàng Thị Bé vẫn đứng trước xác nhà 4A và... khóc. Nhớ lại trưa hôm qua, chị Bé có lẽ là người duy nhất công tác tại Ngân hàng nhà nước có mặt tại nhà lúc cháy. Khi nhìn thấy ngọn lửa từ gian phòng bên liếm qua liếp căn hộ của mình, chị vội gào lên thật to...

 

Chị Bé cùng một thanh niên phòng bên múc nước tạt vào đám cháy. Nhưng sau khi nhận ra nỗ lực vô nghĩa của mình, chị mới nghĩ đến việc di chuyển đồ đạc ra ngoài. Đáng tiếc, chiếc tủ đựng toàn bộ số tiền 30 triệu của gia đình đã bị ngọn lửa phong toả. Chỉ còn chiếc tủ lạnh nằm bên gần cửa, chị Bé cố hết sức để kéo chiếc tủ này dọc theo hành lang xuống cầu thang.

 

“Không hiểu tại sao lúc đấy tôi lại khoẻ vậy”, chị Bé vừa nói vừa giơ hai bàn tay đầy vết trầy xước của mình ra. Nhưng chỉ có mỗi chiếc tủ lạnh được cứu thoát. Toàn bộ tài sản gia đình cộng với những chiếc ti vi, catsett nhận về sửa (gia đình chị làm thêm nghề sửa chữa đồ điện) đều biến thành tro.

 

Không chỉ chị Bé, nhiều người dân sống đây vẫn đi lại bên ngoài dãy nhà với đôi mắt rơm rớm. Không chỉ thiệt hại vật chất, các giấy tờ như giấy khai sinh, chứng minh thư, giấy đăng kí xe, giấy phép lái xe và cả sách vở của các cháu học sinh... đều bị ngọn lửa nuốt hết. Ai cũng hiểu rằng, có không ít sự rắc rối đang chờ đợi họ ở phía trước sau mất mát này.

 

Theo lãnh đạo UBND phường Chương Dương, chưa thể có thống kê cụ thể về thiệt hại. Chỉ biết, của cải vật chất đáng kể nhất bị mất mát của các gia đình là tủ lạnh, máy giặt, điều hoà... Có thể, với ai đó, những tài sản này không hẳn là lớn, nhưng đó là tất cả những gì người dân ở đây có. Và nói như ông Phạm Xuân Lâm, một người dân sống tại dãy nhà: “tự nhiên chúng tôi thành trắng tay”!

 

Ngay tối hôm qua, UBND phường đã hỗ trợ nóng 29 hộ gia đình sống tại đây, với mức 500.000 đồng/hộ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã bố trí chỗ ở tạm thời cho 8 hộ là cán bộ của ngân hàng tại Khách sạn ngân hàng. Các hộ còn lại cũng được phường bố trí chỗ ở tạm thời...

 

Sau cháy, lại lo... cháy!

 

Không phải đến bây giờ nhà gỗ ở phường Chương Dương mới cháy. Những người dân ở khu vực này vẫn còn nhớ như in vụ cháy năm 1994 mà mãi tám năm sau, các hộ bị cháy mới được “tái đinh cư” trong căn nhà mới. Nhưng từ đó đến nay, những ngôi nhà cũ còn lại cứ tiếp tục... cũ thêm. 

 

Theo ông Trần Duy Hồng, Chủ tịch UBND phường Chương Dương, có tới 6/17 dãy nhà gỗ của phường nằm trong diện phải di dời. Cùng đó, 11/17 dãy nhà trong diện phải sửa chữa để chống sập. Dãy nhà 4A cũng nằm trong diện sửa chữa, nhưng bản thân những người dân tại đây lại không muốn điều này. Lý do thật đơn giản, theo như ý kiến của chị Hoàng Thị Bé: “không sợ sập, chỉ sợ cháy”.

 

Trong các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP Hà Nội và của đại biểu Quốc hội, rất nhiều người dân đã cho rằng, những dãy nhà gỗ không thể sửa chữa được nữa. Nhưng cho đến khi ngôi nhà này bị cháy, vẫn chưa có một quyết định cụ thể và dứt khoát nào của thành phố với việc xoá sổ những dãy nhà gỗ ...

 

Theo như lý giải của ông Trần Duy Hồng, có lẽ việc xây mới những dãy nhà này còn “vướng” ở chỗ: phường nằm ngoài đê và việc xây dựng có liên quan đến Pháp lệnh đê điều. Tuy vậy, nếu quan sát ai cũng thấy, nằm sát dãy nhà vừa bị cháy có rất nhiều ngôi nhà cao tầng của người dân vẫn thản nhiên mọc lên...

 

Ông Hồng cho rằng những ngôi nhà gỗ còn lại tiếp tục làm chính quyền phường và người dân cùng... ngay ngáy lo. Cũng không hẳn là “độc mồm độc miệng” khi một người bán nước ở gần dãy nhà bị cháy thẳng thắn: còn nhà gỗ, còn...cháy!

 

Cấn Cường - Hồng Hạnh