Hà Nội còn 2.000 chung cư mini, lo ngại thủ đô phát triển khó kiểm soát
(Dân trí) - Dẫn lại vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng việc tồn tại hơn 2.000 chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng, phát triển thủ đô có phần khó kiểm soát.
Sáng 20/9, tiếp tục phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo mới nhất đề xuất Thủ tướng sẽ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương.
Nhất trí với nội dung trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết chủ trương này đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần triển khai sớm, quyết liệt theo thực tế phát triển thủ đô thời gian vừa qua.
"Nhất là sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân), cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, cho thấy định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát. Ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012, tức là cách đây 10 năm", ông Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội nhận định đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm. Trong đó, vấn đề di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trụ sở các cơ quan đơn vị... vẫn rất chậm chạp.
Cùng với đó, đối chiếu với dự án luật, ông Cường cho biết biện pháp và lộ trình di dời được ủy quyền để Thủ tướng quyết định nhưng hồ sơ dự án luật chưa thấy có dự thảo về quyết định biện pháp và lộ trình di dời.
Liên quan đến việc xử lý một số hành vi vi phạm hành chính với lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề xuất HĐND Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho rằng điện và nước liên quan quyền con người, quyền công dân. Do đó, ông đề xuất xem xét về quy định cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.